Không cần ra chợ, ông nông dân ngồi nhà đón khách đến hái vải thiều
Mới bước vào năm thứ 2 trồng vải thiều đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng ông Ngô Văn Hùng (ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã nhìn thấy rõ sự khác biệt.
Ông Hùng cho biết, ông là 1 trong 7 hộ thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải đang sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng diện tích của 7 hộ là 10ha, riêng gia đình ông có 2ha.
“Năm nay là năm thứ 2 gia đình tôi trồng vải xuâts khẩu sang nhật bản so với cách làm truyền thống trước đây, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình canh tác. Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phải nằm trong danh mục cho phép, được cán bộ kỹ thuật giám sát; chúng tôi cũng ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày. Trước khi thu hoạch, vải của vườn được cán bộ kỹ thuật test lẫy mẫu để giám sát các chi tiêu chất lượng” – ông Hùng nói.
Nâng cao chất lượng vải thiều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với vải thiều là nét mới trong vụ thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang năm nay.
Ông Hùng tiết lộ, vải thiều của vườn nhà ông và các thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Hải đều đáp ứng tốt các chỉ tiêu chất lượng.
“Chúng tôi nói vui, vải thiều của HTX sạch từ vỏ” – ông Hùng khoe.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất khi sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, theo ông Hùng là ông và các thành viên HTX yên tâm về đầu ra sản phẩm. Ông Hùng cho biết, năm 2021, năm đầu tiên sản xuất vải theo quy trình kỹ thuật xuất khẩu nghiêm ngặt , chất lượng vải rất tốt nhưng đúng thời điểm vải được thu hoạch thì huyện Lục Ngạn xuất hiện các ca bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đến tận nơi thu mua với giá bình quân 25.000 đồng/kg. Còn năm nay, ngay từ đầu vụ đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với giá 35.000 đồng/kg” – ông Hùng nói.
Đáng nói là, từ ngày làm vải sạch, ông Hùng không còn chịu cảnh sáng sớm đã chở vải đi cân cho các vựa nữa, mà các doanh nghiệp vào tận vườn thu mua.
Năm nay, để phục vụ cho công việc thu hoạch thuận tiện, đồng thời tạo điều kiện cho du khách vào tận vườn trải nghiệm việc hái vải, ông Hùng và các hộ khác ở thôn Cầu Đền còn áp dụng kỹ thuật làm vải trong thân (tức là cho vải ra trái ở thân cây, thay vì ở đầu cành như mọi năm).
Ông Hùng tiết lộ: “Kỹ thuật này không quá khó, cơ bản phải tạo tán làm sao để các cành được hưởng đều nắng, tạo điều kiện cho quá trình ra hoa, đậu quả”.
Nhờ kỹ thuật này, vườn vải thiều nhà ông Hùng năm nay rất dễ thu hái, trái chín đỏ la đà ngay sát gốc cây nên thu hút rất nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Có những ngày nhà tôi đón cả trăm người, trong đó có nhiều nhiếp ảnh gia lên chụp ảnh, trải nghiệm hái vải, rồi mua vải tại vườn, vui lắm” – ông Hùng khoe.
Ông Hùng dự tính, năm nay vườn vải 2ha của nhà ông cho khoảng 10 tấn quả. Với giá bình quân 25.000 – 35.000 đồng/kg, gia đình ông có thu khoảng 250 – 300 triệu đồng.
400 đoàn khách đến Lục Ngạn tham quan nhân mùa vải thiều
Được biết, năm 2022 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn triển khai một cách bài bản hoạt động du lịch sinh thái gắn với vụ thu hoạch vải thiều.
Theo đó, ngày 14/6/2022, UBND huyện đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch và phát động Chương trình du lịch Hương sắc mùa hè Lục Ngạn năm 2022.
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lục Ngạn, tính từ cuối tháng 5 (thời điểm vải thiều sớm cho thu hoạch) đến nay, huyện Lục Ngạn đã đón hơn 400 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra còn có hàng trăm nhóm du khách tự liên hệ với các HTX du lịch trên địa bàn để tổ chức tour, tuyến tham quan, họp lớp, trải nghiệm mùa vải. Ước tính tổng số du khách đến huyện Lục Ngạn trong khoảng 1 tháng vừa qua là gần 30.000 người.
Du khách thường chọn vườn vải được sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP thân thiện với môi trường làm điểm đến. Vì những vườn này ngoài không khí trong lành, du khách rất thích trải nghiệm thu hái, thưởng thức và mua vải tại vườn.
Ngoài ra, du khách cũng lựa chọn các tour, tuyến tham quan lòng hồ Cấm Sơn, trải nghiệm làng nghề sản xuất mỳ Chũ ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) hay đến tham quan các di tích tâm linh trong huyện, như: Đền Hả, chùa Am Vãi…
Hiện khá nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Lục Ngạn đã tự xây dựng được các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm. Vụ vải năm nay, toàn huyện phấn đấu đón 70.000 khách du lịch.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Việt Oanh – Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho hay, theo định hướng của tỉnh, Lục Ngạn đi theo hướng phát triển vùng cây ăn quả kết hợp du lịch miệt vườn sinh thái và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Trong 2 năm qua đã có 11 HTX về du lịch được cấp phép thành lập.
Lục Ngạn có vùng trái cây, 4 mùa hoa thơm trái ngọt; có hệ thống hồ tuyệt đẹp với số lượng khoảng 200 hồ thủy nông, trong đó có những hồ diện tích rất lớn như hồ Cấm Sơn rộng 2.600ha, hồ Khuôn Thần được ví như Hạ Long trên cạn… Huyện cũng quy hoạch bài bản để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với chuỗi sản xuất của nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho Lục Ngạn xây dựng tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 31, tuyến trục ngang kết nối từ Hạ Long (Quảng Ninh) đến Sơn Động, tạo thành tour tuyến du lịch sinh thái.
Lục Ngạn còn có diện tích rừng phong phú với 31.000ha, có 8 dân tộc anh em sinh sống với nhiều nét đẹp văn hóa chưa được khai thác, có các ngôi làng cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, có các điệu dân ca say đắm lòng người.
“Với tất cả những tiềm năng đó, nếu được các doanh nghiệp đầu tư, đánh thức, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Lục Ngạn sẽ trở thành một điểm đến tiềm năng” – ông Oanh khẳng định.