Hành trình gắn bó với cây mắc ca của ông Hùng như một bản nhạc khúc trầm, khúc bổng nhưng nó đã giúp ông hiểu được giá trị của người làm nông thực thụ. Mỗi một ngày sẽ có một bài học mà bản thân ông phải tự khám phá đúc rút ra để tạo nên thành công.
Những cây mắc ca của ông Hùng sai quả. Ảnh NVCC.
Khởi nghiệp ở tuổi 50
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) được tuyển về làm kỹ sư ở Công ty Điện lực Lạng Sơn.
Thế nhưng từ nhỏ, ông Hùng đã rất ham mê với nông nghiệp, mỗi lần có dịp nghỉ phép hay đi công tác cứ thời gian rảnh ông lại tìm đến các vườn cà phê, hồ tiêu hay các đồi chè… để được thỏa thích nghiên cứu, thăm thú quá trình sản xuất của họ.
Trong một lần đi du lịch ở Quảng Tây (Trung Quốc), một người bạn biết ông rất thích thăm quan các mô hình nông nghiệp đã dẫn ông đến một trang trại trồng mắc ca ở đây để tham quan.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) – người tiên phong đưa giống mắc ca về Lạng Sơn trồng.
“Đến đây, mình được chủ trang trại mời ăn mắc ca. Lần đầu mình được ăn, quả thực rất ngon. Khi hỏi thăm mới biết, đất nước Trung Quốc rộng lớn như vậy mà chỉ có hai vùng trồng được, mình lại càng tò mò”.
Ấn tượng bởi chuyến đi đó, ông Hùng về bắt đầu nghiên cứu giống cây này và căn cứ vào khí hậu, thổ nhưỡng ở Lạng Sơn để xem có thích hợp đưa giống cây này về trồng thử nghiệm không?
Sau một thời gian nghiên cứu, ông Hùng quyết định tìm mua vườn để trồng thử nghiệm mắc ca. Đầu năm 2006, ông Hùng manh nha bắt tay vào cải tạo vườn và tìm đến nông trường Đông Bắc để mua giống cây mắc ca về trồng.
Ông Hùng kể: “Lúc này, kinh nghiệm thực tế chưa có gì do đó ai cũng ngăn cản. Thế nhưng với quyết tâm mình vừa trồng cây, vừa nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc”.
Ngày đi làm điện, đêm về lại mày mò lên mạng nghiên cứu, tìm tài liệu về trồng mắc ca. Sau thời gian trồng, cây đã trưởng thành mùa hoa đầu tiên cũng đã đến. Thế nhưng, mùa đầu cứ ra hoa là rụng hết không đậu được quả nào. Đồng thời, cây nhiều sâu bệnh, nấm…
“Lúc đó mình mất ăn mất ngủ với vườn mắc ca, để giải quyết những khó khăn đó, mình tìm đến các chuyên gia đầu ngành, tìm đến các nhà vườn trồng mắc ca ở trong miền Nam để hỏi về cách chăm sóc cũng như làm thế nào để khi ra hoa là đậu được quả….”, ông Hùng kể.
Sản phẩm mắc ca sau khi đã được chế biến.
Bên cạnh hỏi chuyên gia, người có kinh nghiệm ông Hùng còn tìm tài liệu nước ngoài về trồng mắc ca để tham khảo. “Lúc đó, đa phần các loại thuốc để phòng và chữa bệnh cho cây chủ yếu ở nước ngoài do vậy mình đã phải gửi mua từ tận miền Nam”, ông Hùng kể.
Trước những khó khăn đó, mình cũng nản nhưng sau đó tự trấn an bản thân “Vì chưa có ai làm giờ mình làm thành công thì có thể giúp bà con nơi đây có thêm một giống cây để trồng và thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế khá giả hơn, thế là lại bắt tay vào nghiên cứu tiếp”, ông Hùng chia sẻ.
Sau khi khắc phục được những khó khăn, bệnh tật của cây mắc ca, năm 2014 quả ngọt cũng đã đến với ông Hùng, mùa thu hoạch đầu tiên vườn mắc ca 3 héc ta của ông Hùng thu về 6 tạ, mỗi kg mắc ca thô bán với 80 nghìn đồng.
Sau khi sản lượng mắc ca thu về nhiều thay vì bán thô làm giống, ông Hùng đã nghĩ ra phương án chế biến nhằm tạo thương hiệu riêng cho mắc ca của Lạng Sơn. Theo đó, ông Hùng đã đầu tư công nghệ như máy sấy, máy đập hạt, đóng gói sản phẩm và đặc biệt là chú trọng vào quá trình chăm sóc để hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu mà các siêu thị đưa vào.
Để tìm chỗ đứng trong thị trường ông đã đến các siêu thị lớn, tham gia các hội chợ, hội thảo khoa học để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Nhờ vậy mà hiện nay ông đã xây dựng được thương hiệu mắc ca Hoàng Liên và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước. Hiện sản phẩm mắc ca của ông Hùng đã có mặt ở 26 siêu thị lớn nhỏ ở Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang.
Năm 2021, vườn mắc ca của ông Hùng thu hoạch được 37 tấn quả tươi. Quả thành phẩm xuất vào siêu thị là 11 tấn, vào khoảng 260 nghìn/1kg tương đương 2,8 tỉ đồng.
Muốn người dân thoát nghèo
Vốn sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, nên ông hiểu những khó khăn của người dân quê mình. Ông luôn trăn trở tìm ra được giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để trồng thử nghiệm. Từ những kinh nghiệm mình tích lũy được có thể chia sẻ cho người dân ở đây cùng trồng, phát triển nhằm cải thiện cuộc sống, thoát cảnh nghèo.
Thương hiệu mắc ca Hoàng Liên do ông Hùng xây dựng và phát triển.
Hơn 10 năm mày mò, ăn ngủ cùng mắc ca giờ đây ông Hùng ngoài đầu tư thời gian chăm sóc, phát triển thương hiệu mắc ca Hoàng Liên của mình ông cũng dành thời gian chia sẻ, hướng dẫn cho những ai có muốn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mắc ca.
Ông Hùng nói: “Mình đi lên từ con số không, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm do đó khi bà con tìm đến học hỏi kỹ thuật mình không ngần ngại chia sẻ.
Lúc mình manh nha trường mắc ca là hơn 50 tuổi, ai cũng nói khởi nghiệp ở tuổi này nếu thất bại sẽ khó có thể làm lại và mất tất cả, tuy nhiên mình vẫn liều. Do đó, mình hiểu hơn ai hết những khó khăn trong giai đoạn đầu khi mới khởi nghiệp. Từ những kinh nghiệm mình có, mình muốn chia sẻ cho bà con để họ tránh được những thất bại mình đã gặp phải”.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng sơn, cây mắc ca là cây trồng mới, khi ông Hùng đưa vào trồng và thu về hiệu quả rất cao. Từ thực tế đó, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca rất lớn, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đồng thời, các chuyên gia, mắc ca trồng ở Lạng Sơn chất lượng cao hơn so với mắc ca ở các địa phương khác.
Với vai trò là phòng chuyên môn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc đã tham mưu UBND huyện phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Nông thôn …. khảo sát, đánh giá và đề xuất với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung Lạng Sơn vào vùng quy hoạch phát triển cây mắc ca. Từ đó tạo cơ sở cho tỉnh, cho huyện quy hoạch và phát triển cây mắc ca tương xứng với tiềm năng, là một trong những cây trồng chủ lực.