Kiếm thêm tiền triệu nhờ trồng bonsai dâu tằm
Cây dâu tằm rất dễ trồng dáng kiểng, một số bạn trẻ chỉ cần bỏ một ít thời gian chăm sóc và có thể kiếm được tiền triệu với loại cây này.
Dễ chăm, nhiều trái khi làm bonsai
Lê Hoàng Nam (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang sở hữu hơn 30 cây kiểng dâu tằm lớn, nhỏ với giá dao động từ 300.000 – 2,5 triệu đồng/cây. Mỗi tháng anh bán được vài chục cây và phôi.
“Tôi bắt đầu chơi dâu tằm kiểng vào năm 2018. Theo tôi, loại cây này dễ chăm, nhiều trái khi làm bonsai”, anh nói.
Anh Nam bên vườn bonsai dâu tằm của mình T.Đ |
Theo anh Nam những cây dâu tằm mà anh tâm đắc nhất cũng như có giá trị kinh tế cao, thường mang hình hài với bộ gốc to, cành già và cho nhiều trái. Ngoài ra, cây có bộ rễ đẹp hoặc có hình thù quái lạ thì lại càng có giá trị, anh Nam cho hay.
Anh cho biết dâu tằm khi làm bonsai cũng giống như các loại cây khác vì nó thuộc cây thân gỗ và lâu năm. Bước đầu, anh chọn nhánh đẹp theo ý mình rồi cắt giâm cành, sau đó để cây ra rễ và phát triển khoảng một năm rồi chọn lọc ra phôi đẹp để vào chậu làm kiểng.
Bonsai dâu tằm có hình thù kỳ lạ của anh Nam T.Đ |
“Cây dâu tằm phù hợp chơi chi cành như cây ngoài tự nhiên nên tôi sẽ không dùng dây nhôm để uốn tạo dáng. Khó khăn là vấn đề thời gian và công cắt tỉa thường xuyên để chi cành già thì cây mới đẹp và có giá trị, mất gần 6 tháng để cây bon sai đạt đưa ra thị trường. Ngoài ra, vấn đề rệp sáp hút nhựa làm hư chi cành cũng là một điều khó khăn, do đó người trồng cần lưu ý việc phun thuốc định kỳ”, anh Nam chia sẻ.
Kiểng dâu tằm dáng đẹp mà anh Nam có được NVCC |
Anh còn nói thêm: “Một năm gần đây cây xuất hiện rầy mới kháng thuốc do đó phải diệt nó bằng… tay. Tôi dùng muỗng cạo từng mảng rầy ra rồi dùng thêm nhiều loại thuốc trị rầy khác nhau để ngừa”.
Chậu trồng luôn lớn hơn bầu đất NVCC |
“Dâu tằm là cây ăn trái nên cần rất nhiều nắng và chất dinh dưỡng, vì thế bầu đất trồng phải lớn. Nếu chơi bonsai thì phải đặt bầu đất lên một chậu lớn hơn để rễ ăn xuống thì mới đủ để cây ra quả nhiều và chắc đẹp”, anh Nam nói.
Anh Nam thông tin thị trường dâu tằm hiện nay cũng khá nhộn nhịp vì nó là cây ăn trái và lá cũng có thể làm thức ăn của nhiều thú nuôi cảnh (tép, rùa…), trái thì có thể làm được nhiều món khác nhau nên được nhiều người quan tâm và yêu thích.
“Hái” thêm tiền triệu
Còn Nguyễn Văn Tiệp (30 tuổi, ngụ thôn Dương Kệ, xã Trần Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng “hái” thêm tiền triệu nhờ chơi kiểng dâu tằm, ngoài nguồn thu nhập chính là làm đầu bếp tại một nhà hàng ở Hà Nội.
Niềm vui của anh khi chơi cây dâu tằm là cùng con thu hoạch trái NVCC |
Năm 2016, anh Tiệp bắt đầu tìm hiểu, chơi dâu tằm và đến nay sở hữu hơn 10 gốc dâu tằm kiểng, với giá trung bình từ 500.000 – 5 triệu đồng/cây.
“Dâu này có 2 loại, dâu lá và dâu trái. Rất dễ sống. Chỉ cần cắt cành cây cắm vào đất ẩm là phát triển. Quả mình có thể ngâm rượu. Hay ngâm đường uống giải khát những ngày hè”, anh nói.
“Tuy cây dâu tằm ưa nắng nhưng nó cũng không dễ chết khi được trồng ở mé, giáp bờ ao hay những nơi ẩm thấp. Ngoài ra, muốn có hình dáng đẹp thì ta phải cắt giật hoặc uốn nắn cây. Cành dâu rất dẻo và dai, có thể uốn thoải mái mà không sợ bị gãy”, anh Tiệp nói.
Anh Tiệp còn chia sẻ cây dâu tằm thường ra hoa vào tháng 2 – 3, tháng 4 – 5 là thu quả. Còn những mùa khác là trái mùa, chỉ ra lưa thưa vài quả chứ không được nhiều quả như mùa chính.
“Nếu muốn cây ra quả vào dịp Tết Âm lịch thì trước tết 2 tháng nên cắt nước, không tưới trong 10 ngày. Để cây héo và rụng hết lá, rồi bắt đầu tưới nước trở lại bình thường (áp dụng thời tiết ngoài Bắc)”, anh chia sẻ bí quyết.
Cây kiểng dâu tằm mang một nét đẹp riêng NVCC |
Anh Tiệp chỉ dùng phân bò để bón cho kiểng dâu tằm NVCC |
“Muốn cây dâu tằm luôn đẹp thì sau khi thu hoạch nên cắt tỉa tán cây cho gọn, làm như thế tán cây sẽ mọc cành nhiều (mỗi lần cách tỉa là một lần bón phân bò). Mà nhiều cành thì cây lại càng sai quả. Để cây bán ra thị trường có giá trị cao thì cây phải có dáng đẹp, không bị mục lũa”, anh Tiếp thông tin thêm.