Khoa học bám sát tái cơ cấu ngành

Đổi mới về cách thức tiếp cận, chuyển hướng sang bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành, đáp ứng các yêu cầu mà thực tiễn SX đặt ra…, đây là những định hướng trọng tâm mà Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) sẽ dồn sức triển khai trong năm 2019.

Hai ưu tiên nghiên cứu về chọn tạo giống

Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ảnh), GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Năm 2019, định hướng chung về công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mà VAAS đặt trọng tâm, đó là sẽ chuyển hướng sang các đề tài nghiên cứu ngoài cây lúa, bởi các nghiên cứu về giống lúa hiện đã có khá nhiều. Thay vào đó, sẽ tập trung cho một số nhóm giống cây trồng như giống rau, đậu đỗ, cây có củ, nấm ăn…, đặc biệt là sẽ có nhóm đề tài lớn cho nghiên cứu nhóm giống cây ăn quả (kèm quy trình canh tác).

 

Đây là những nghiên cứu phục vụ sát sườn cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn SX, nhất là định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với nhóm cây ăn quả đang nổi lên ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, các nghiên cứu phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung vẫn còn hết sức hạn chế, nhất là vẫn còn rất nhiều lỗ hổng về các nghiên cứu cơ bản nhằm có căn cứ khoa học đề xuất các mô hình chuyển đổi, các gói kỹ thuật canh tác.

Trước đây, chúng ta chỉ tập trung cho nghiên cứu giống bằng hình thức lai tạo mới, có năng suất. Tuy nhiên từ năm 2019, công tác nghiên cứu chọn tạo giống của VAAS sẽ chuyển theo hướng không ưu tiên cho những giống có năng suất như trước đây, mà sẽ tập trung ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chỉ thị phân tử để cải tiến các tính trạng về chất lượng, chống chịu sâu bệnh, đổ ngã, chống chịu với điều kiện hạn mặn… trên nền các giống hiện có đã khẳng định được ưu thế trong SX. Đây là xu hướng phù hợp mà khoa học về nghiên cứu giống cây trồng quốc tế cũng đang hướng tới nhằm rút ngắn thời gian lai tạo giống. Cách làm này khả thi về mặt kinh phí, đồng thời nhanh có được những giống mới nhằm kịp thời đáp ứng cho yêu cầu SX.

Quan điểm của VAAS hiện nay đối với nghiên cứu giống cây trồng, đó là kinh phí nghiên cứu bên cạnh dựa một phần vào ngân sách nhà nước, còn phải chủ động tạo ra những sản phẩm đột phá thực sự để tạo nguồn thu phục vụ cho hoạt động khoa học cũng như tái đầu tư cho nghiên cứu trong dài hạn. Vì vậy, kể cả khi không có đề tài nghiên cứu, VAAS cũng sẽ chủ động vận dụng những kênh kinh phí khác nhau để đi theo định hướng đó. Năm 2019, một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng về nghiên cứu chọn tạo giống, đó là VAAS sẽ triển khai thu thập, đánh giá nguồn gen (kể cả kiểu gen và kiểu hình) nhằm có cái nhìn đầy đủ nhất về nguồn vật liệu di truyền. Qua đó, chọn lọc các vật liệu di truyền nhằm tạo ra các giống cây trồng nhanh nhất, đồng thời phục tráng lại các giống đặc sản, bản địa của các địa phương, nhất là đối với giống lúa và giống cây ăn quả.  

Bốn mũi nhọn nghiên cứu về kỹ thuật

Về kỹ thuật canh tác, năm 2019, VAAS sẽ tập trung cho 4 nhóm nội dung nghiên cứu mà thực tiễn SX đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết.

Một là hướng nghiên cứu về các cơ sở khoa học nhằm đề xuất các chủng loại cây trồng, các giống cây trồng phù hợp cho từng địa phương và từng tiểu vùng sinh thái. Thực tế thời gian qua, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang phát sinh những vấn đề lớn rất nguy hiểm, nhất là đối với nhóm cây ăn quả. Đó là tình trạng chạy theo phong trào, “học lỏm” theo nhau, thấy nơi này trồng cây này thì nơi kia cũng đua nhau trồng theo mà không có những đánh giá đầy đủ và khuyến cáo về tính thích ứng của cây trồng đó xem có phù hợp hay không. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng của sản phẩm, mà còn tạo ra những rủi ro rất cao cho nông dân, nhất là đối với cây ăn quả có chu kỳ rất dài. Vì vậy, việc nghiên cứu chủng loại cây gì, giống gì cụ thể cho từng vùng và tiểu vùng đang là yêu cầu bức thiết mà VAAS sẽ đẩy mạnh nghiên cứu trong thời gian tới.

Thứ hai, năm 2019, VAAS cũng sẽ tập trung cho việc nghiên cứu, đánh giá lại tổng thể về chất lượng môi trường đất để có giải pháp khắc phục cũng như kịp thời có những khuyến cáo sớm cho nông dân dừng SX nếu cây trồng không còn phù hợp với chất lượng đất.

16-09-37_nh
Giống và kỹ thuật canh tác cho cây ăn quả sẽ là một trong những trọng tâm nghiên cứu trong năm 2019

Hiện nay, sau một giai đoạn dài đẩy mạnh thâm canh, nhất là các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về phân bón hóa học, thuốc BVTV, nhiều vùng đất canh tác đã bị thay đổi, thoái hóa nghiêm trọng. Điển hình cho mối nguy này là khu vực các tỉnh Tây Nguyên, sự biến đổi độ pH từ pH trung tính sang pH thấp (chua) đã và đang diễn ra rất rõ nét. Một số vùng đất vốn là vùng SX rất phù hợp của một số đối tượng cây trồng trước đây, nhưng nay đã không còn phù hợp nữa. Điều này cần những nghiên cứu, đánh giá chặt chẽ lại về việc có hay không sự thay đổi về chất lượng đất để đưa ra các giải pháp khắc phục. Lâu nay, chúng ta gần như chỉ quan tâm nhiều về dịch bệnh mà chưa quan tâm tới yếu tố ảnh hưởng tới việc bùng phát dịch bệnh do suy thoái chất lượng đất. Ví dụ, pH đất thấp sẽ kéo theo các bệnh trong rễ phát sinh rất nhiều, sinh dưỡng do đất không phù hợp cũng khiến bệnh phát tác mạnh hơn…

Nhóm sâu bệnh hại cây trồng phát sinh từ trong đất hiện nay đang bùng phát rất mạnh trên nhiều đối tượng cây trồng, nguy cơ lây lan rất cao trong bối cảnh chuyển đổi cây trồng ngày càng diễn ra nhanh và mạnh. Hiện nay, những cây trồng chống chịu bệnh rất tốt như cây sầu riêng ở Tây Nguyên vẫn bị nhiễm bệnh do đất, chứ chưa nói tới những cây đặc biệt nhạy cảm với nhóm bệnh này như cây có múi, cây hồ tiêu… Bệnh trong đất nguy hiểm ở chỗ nông dân không thể trực tiếp phát hiện được sớm, khi thể hiện trên thân thì mức độ bệnh đã rất nghiêm trọng, gần như không thể cứu chữa. Thời gian tới, VAAS sẽ có những nghiên cứu về phương pháp phòng trừ bệnh trong đất một cách đơn giản nhất, khả thi nhất để phổ biến cho nông dân.

Nhóm nghiên cứu thứ ba về kỹ thuật canh tác mà VAAS sẽ đẩy mạnh trong năm nay, đó là xác định nguyên nhân và các giải pháp khắc phục đối với hiện tượng chết cây, suy giảm năng suất chất lượng của các vườn cây có múi để có khuyến cáo phù hợp. Đây là yêu cầu rất cấp thiết do cây có múi là một trong những cây trồng trọng yếu trong tái cơ cấu cây trồng hiện nay, nhưng lại đang nảy sinh nhiều hiện tượng dịch bệnh và suy thoái nghiêm trọng ở nhiều vựa SX lớn.

Nhóm nghiên cứu thứ tư, đó là tập trung cho các đề tài nghiên cứu về kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tỉa quả, bọc quả… cho các loại cây trồng chủ lực. Đây là kỹ thuật vô cùng quan trọng trong canh tác cây ăn quả, đã được làm rất bài bản ở các nước, song việc áp dụng hiện nay ở nước ta lại còn rất yếu. Những năm gần đây, mặc dù chúng ta cũng đã có những tuyên truyền, phổ biến cho người trồng cây ăn quả về sự cần thiết và kỹ thuật tỉa cành tạo tán, song vẫn còn thiếu những căn cứ khoa học để xác định một cách bài bản về kỹ thuật tỉa cành tạo tán, tỉa quả cho từng loại cây trồng, cho từng giai đoạn. Ví dụ, phải xác định xem tuổi cây nào thì kỹ thuật tỉa thế nào, cây trồng mới thì tỉa thế nào, cây đã già thì tỉa ra sao, mỗi loại cây ở độ tuổi nào thì để bao nhiêu quả là vừa…

Tin Liên Quan