ĐTO – Những năm gần đây, việc chuyển đổi sang trồng nhãn Ido đã giúp cho nhiều nông dân ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung phát triển kinh tế ổn định, vươn lên khá giàu. Một trong những nông dân đi đầu trong việc chuyển đổi hiệu quả này là anh Trần Văn Cưng (SN 1968) ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa. Hiện tại với khoảng trên 3,5ha nhãn Ido, mỗi năm, anh Cưng thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nhãn tiêu da bò trước đây.
Anh Trần Văn Cưng (bên trái) nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ hội viên kỹ thuật canh tác và chăm sóc nhãn đạt chuẩn
Khoảng những năm 2002 – 2005, cũng như nhiều nông dân khác ở địa bàn xã Phong Hòa, cây nhãn tiêu da bò là loại cây trồng chủ lực được gia đình anh Trần Văn Cưng ưu tiên phát triển. Song, với cú sốc kép từ việc nhãn bị rớt giá sâu và dịch chổi rồng tấn công đã khiến cho gia đình anh Cưng rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Năm 2008, sau nhiều chuyến rong rủi khắp nơi tìm kiếm giống cây trồng mới để chuyển đổi cho mảnh vườn của mình, cây nhãn Ido là một trong những giống cây ăn trái được anh Cưng đánh giá cao và ưu tiên phát triển.
Anh Trần Văn Cưng kể: “Khoảng tháng 6/2008, trong một dịp đến thăm người bạn ở xã Thới An, huyện Ô Môn, TP.Cần Thơ có trồng 0,4ha nhãn Ido đang cho trái. So với giống nhãn tiêu da bò của tôi thì giống nhãn này nhiều ưu điểm hơn như: trái sai, hạt nhỏ, chi phí đầu tư thấp. Sau khi tìm hiểu, tôi về nhà tham khảo ý kiến gia đình và quyết định chuyển đổi 1ha nhãn tiêu da bò trồng nhãn Ido. Lúc đầu chuyển đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của bạn bè đi trước và học hỏi kinh nghiệm của bà con trồng nhãn ở huyện Châu Thành, tôi đã rút ra nhiều bài học quý báu trong việc để ra hoa thành công cho cây nhãn Ido”.
Hiện tại với 3,5ha canh tác nhãn Ido, trong đó có 2ha đang cho trái, mỗi năm cho thu hoạch 40-50 tấn trái, giá bán dao động từ 20.000 – 24.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận bình quân mỗi năm từ vườn nhãn khoảng 600 triệu đồng. Ngoài trồng nhãn Ido, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, anh Cưng còn canh tác thêm 0,8ha dưa hấu vuông (qua việc cho trái dưa phát triển trong khuôn) với khoảng 300 cặp trái, bình quân mỗi cặp bán được từ 800 ngàn – 1 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 100 – 150 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại phát triển kinh tế cho gia đình, anh Cưng đã nhiệt tình giúp đỡ và tư vấn cho nhiều nông dân trồng nhãn Ido trong vùng về kỹ thuật xử lý ra hoa và để trái. Sau thời gian gắn bó với cây nhãn, anh Cưng nhận thấy nhu cầu xuất khẩu của nhãn Ido rất lớn, khoảng năm 2016, anh Cưng mạnh dạn rủ một số nhà vườn tâm huyết đề nghị với UBND xã Phong Hòa cho thành lập tổ liên kết (TLK) hợp tác nhãn Phong Hòa để có sản lượng lớn làm tiền đề để liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Hiện TLK nhãn Ido do anh Trần văn Cưng làm Tổ trưởng có 30 thành viên tham gia với diện tích 60ha. Ước tính mỗi năm, TLK của anh Cưng cung cấp cho thị trường từ 1.200 – 1500 tấn nhãn Ido.
Anh Nguyễn Trí Dũng – thành viên TLK hợp tác nhãn Phong Hòa phấn khởi: “Trước đây, khi chưa là thành viên của TLK, tôi thường để nhãn ra trái không đạt. Nhãn Ido rất khó để trái nên mấy năm trước có năm thì trúng mùa lắm nhưng cũng có năm nhãn không ra trái mà chỉ toàn ra đọt. Từ ngày vào TLK, được anh Cưng và anh em trong tổ hướng dẫn kỹ thuật nên vườn nhãn của tôi mấy năm nay trái rất đạt. Như năm nay, tôi dự kiến thu hoạch trên 10 tấn trái, đây là con số tôi chưa bao giờ dám mơ tới”.
Mô hình nhãn chậu, một sản phẩm mới được anh Trần Văn Cưng dự kiến tung ra vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021
Với quyết tâm của anh Cưng và các thành viên trong TLK, năm 2017, dưới sự hỗ trợ của Hội Làm vườn tỉnh và UBND xã Phong Hòa, các thành viên của TLK được tham gia tập huấn sản xuất nhãn theo hướng VietGAP. Năm 2018, tổ được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP với diện tích 15ha.
Anh Trần Văn Cưng chia sẻ: “Mặc dù hiện tại chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nhãn ổn định, song tôi và các anh em thành viên trong tổ vẫn động viên nhau kiên trì ghi chép sổ nhật ký bài bản và trung thực trong việc sản xuất sao cho đúng quy trình đã được hướng dẫn. Tôi nghĩ rằng, để trái nhãn của Phong Hòa quê hương tôi đi xa hơn ở thị trường nước ngoài thì chỉ có con đường liên kết với diện tích lớn và sản xuất sạch mà thôi. Sắp tới, chúng tôi mong muốn được sự giúp đỡ từ ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương để nhãn của xã Phong Hòa được cấp mã vùng trồng. Mã vùng trồng là xu hướng tất yếu để có thể xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hòa cho biết: “Anh Trần Văn Cưng là một trong những nông dân có tư duy nhạy bén về phát triển kinh tế. Không những anh làm giàu cho gia đình mà còn đem kiến thức chia sẻ cho nhiều nông dân khác cùng tiến bộ và phát triển. Anh Cưng là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần giúp cho địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua”.