Để đưa cam Phù Yên tiến xa và hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam cho rằng: Chính quyền và người dân Phù Yên cần xây dựng và đưa quy trình chuẩn vào chăm sóc cây cam một cách khoa học, bài bản.
Nở rộ… triệu phú
Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Ngọc Yên ở bản Phúc Yên (xã Mường Thải, huyện Phù Yên, Sơn La) quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô, đỗ tương sang trồng cam đường canh, cam Vinh. Ông Yên cho biết, lúc đầu trồng cam gặp không ít khó khăn vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm, nhưng sau nhiều năm tự tìm tòi, học hỏi, đến nay gia đình ông đã thành công với cây cam.
Hiện, vườn cam rộng khoảng 6.000m2 của gia đình ông Yên đã cho thu hoạch năm thứ 4, bình quân mỗi năm đạt sản lượng 20 – 30 tấn. “Trước kia, người dân chúng tôi chỉ trồng ngô, trồng sắn. Với 1ha canh tác cây ngô chỉ thu được 20 – 25 triệu đồng nhưng khi chuyển sang trồng cam 1ha có hộ thu 300 – 400 triệu đồng là chuyện bình thường” – ông Yên nói.
Đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ trong đoàn công tác khảo sát nông nghiệp Tây Bắc thăm quan vùng cam đặc sản Phù Yên (Sơn La) cuối tháng 2.2019. ảnh: Trần Quang
Được biết, cam Mường Thải hiện có mặt tại 8/10 bản của xã với khoảng 250ha với hơn 200 hộ trồng. Bà Bạch Thị Xiêng – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phù Yên cho hay: Trong số các xã trồng cam, Mường Thải có diện tích lớn nhất và thành công nhất với sản lượng cam đạt khoảng trên dưới 30 tấn/ha. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây tại Mường Thải đã xuất hiện hàng trăm triệu, tỷ phú nhờ loại cây đặc sản này. Bà Xiêng cho biết thêm, sản phẩm cam được trồng ở Phù Yên có đặc điểm quả to, đều, vỏ mỏng và đặc biệt là ăn rất ngọt, thơm nên được khách hàng các tỉnh, thành rất ưa chuộng, mua nhiều.
Đã hơn 1 năm, kể từ khi sản phẩm cam của những người nông dân các xã vùng trồng cam huyện Phù Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cây cam Phù Yên đang ngày một nổi tiếng được người dân biết đến, tiêu thụ nhiều trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để cam Phù Yên vươn xa trên thị trường, trong ngày hội cam được huyện tổ chức tháng 11.2018 vừa qua, huyện Phù Yên đã ký biên bản ghi nhớ với chuỗi cửa hàng sạch của một doanh nghiệp dưới Hà Nội về phát triển chuỗi giá trị nông sản giá trị cao. Đồng thời, huyện cũng ký kết hợp đồng nguyên tắc bán hàng với HTX trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải. Theo bà Xiêng, để thương hiệu cam Phù Yên giữ vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng, thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục tập trung mở các lớp tập huấn, đào tạo và thực hành sản xuất, hướng dẫn người nông dân tuân thủ nguyên tắc để cho ra đời những trái cam an toàn tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, sản phẩm sau thu hái để bán tươi, địa phương cũng sẽ chú trọng đầu tư hơn vào khâu sơ chế, đóng gói bao bì, tem nhãn giúp người tiêu dùng nhận diện đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ khi truy cập mã vạch.
Cần xây dựng quy trình chuẩn cho cam
Trong chuyến khảo sát nông nghiệp ở huyện Phù Yên (Sơn La) cuối tháng 2.2019 vừa qua, đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ của đoàn công tác đã xuống tận các ruộng trồng cam ở xã Mường Thải để thăm, trò chuyện với nông dân ở đây.
“Hiện giờ cây cam đang ra hoa rất sai nhưng trên các cây này còn rất nhiều lá già, cành yếu… đều này sẽ gây hại
Cùng với việc đầu tư vào trồng cam VietGAP, hữu cơ, huyện Phù Yên cần đưa ra nhiều các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào các khâu yếu của huyện như chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản đặc sản để sớm đưa đước sản phẩm xuất khẩu”. Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng |
và khiến cây cam phát triển kém. Nếu bà con chăm sóc không cẩn thận cây sẽ thiếu chất dinh dưỡng, quả ra không đồng đều, chất lượng không được như mong muốn. Qua đây cho thấy việc tác động kỹ thuật lên cây cam rất ít, bà con chưa có quy trình chuẩn để chăm sóc loại cây đặc sản này” – đồng chí Thào Xuân Sùng nói.
Để nâng chất lượng sản phẩm, người đứng đầu T.Ư Hội ND Việt Nam gợi ý huyện Phù Yên cần sớm liên hệ và phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn ở Trung ương và nhất là ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam để xây dựng quy trình chuẩn trong việc chăm sóc, thu hoạch, chế biến cam. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ. Hội ND cấp huyện, xã ở Phù Yên cũng cần đẩy mạnh các chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân tích cực áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để giúp giảm nhân công và tăng chất lượng sản phẩm.
Gợi mở thêm hướng đi mới cho bà con trồng cam ở Phù Yên, Trưởng đoàn khảo sát nông nghiệp Tây Bắc mong muốn người dân tại các xã trên địa bàn huyện này cần nuôi thêm ong để vừa giúp thụ phấn cho các cây trồng vừa nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
“Dựa vào tiềm năng sẵn có của mình, bà con ở đây cần nuôi thêm ong và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong của mình để phát triển cùng với thương hiệu cây ăn quả đặc sản khác giúp thu nhập tăng cao hơn” – đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định.