Đi đầu trong bảo vệ môi trường
Thông thường, sau mỗi chu kỳ thu hoạch, hàng năm các nhà vườn thanh long phải cắt bỏ những cành thanh long kém hiệu quả do già, bệnh hoặc những cành nằm ẩn bên dưới không tiếp xúc với ánh sáng. Cắt cành thanh long cũng là cách dọn vườn, giảm sâu bệnh cho cây, kích thích cây tập trung cung cấp chất dinh dưỡng cho quả.
Theo anh Nguyễn Văn Thuấn, Phó Giám đốc HTX Bạch Đằng, trước đây, để xử lý khoảng 1 tấn cành thanh long, HTX phải tốn 300.000 đồng tiền công, cành thanh long chỉ vứt đi, trong khi lượng cành bỏ chiếm đến 50% số cành trên mỗi trụ. Vì số lượng cành bỏ đi rất lớn, không thể để chất đống trong vườn, nên HTX phải tốn nhiều công sức để vận chuyển đi nơi khác đổ.
Tuy nhiên, nhận thấy nếu bỏ cành thanh long đi rất lãng phí trong khi đây là nguồn phân hữu cơ dồi dào cho cây trồng, nên đến thời điểm cắt cành thanh long, HTX đã dùng máy băm cành và rải đều giữa các luống thanh long. Việc dùng máy băm cành giúp giảm thời gian, công sức, đồng thời giúp cành thanh long phân hủy nhanh hơn.
Cây thanh long trồng trên diện tích lớn nên để xử lý thân cành gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không xử lý tốt vừa gây ô nhiễm môi trường lại vừa mất đi nguồn phân tự nhiên. Việc đầu tư máy băm cành vừa làm sạch môi trường vừa tạo được nguồn phân tự nhiên trong đất.
“Trung bình một bụi thanh long già phải bỏ khoảng 50kg cành. Nếu như dùng xe rùa, người nào giỏi nhất cũng chỉ đẩy được khoảng 1 tấn cành thanh long/ngày. Nhưng khi đầu tư máy móc, chỉ cần 1 giờ đồng hồ là có thể giải quyết xong” – Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thuấn cho biết.
Tuân thủ quy trình
Trồng thanh long hữu cơ là việc loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất biến đổi gen, thuốc diệt cỏ, chất bảo quản. Chính vì vậy, quy trình sản xuất và giống cây đã được HTX tham khảo từ Viện cây lương thực. HTX lựa chọn giống thanh long ruột tím là vì khi trồng, tán cây thông thoáng nên sẽ ít tốn công cắt tỉa hơn so với các giống thanh long khác.
Quá trình trồng và chăm sóc, HTX tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ trấu hoai mục để chăm bón, không sử dụng phân hóa học hoặc thuốc kích thích cho cây ra hoa, đậu quả. Trong suốt quá trình trồng, các thành viên chủ yếu làm cỏ bằng các biện pháp thủ công.
Vườn thanh long cho sản phẩm quả chín đỏ, mặc dù trọng lượng quả nhỏ, nhưng do được trồng bằng phương pháp hữu cơ nên vỏ mỏng, nhiều nước, thịt quả có màu tím đậm như màu mực tím, ruột quả đặc, ăn ngọt mát, thịt quả vẫn dẻo khi chín và khô, không bị bở nát, có thể bảo quản được lâu hơn.
Theo Ban giám đốc HTX, thanh long ruột tím cho thu nhập cao gấp 4-5 lần các cây trồng truyền thống ở địa phương. Một ha ngô chỉ cho khoảng 50-60 triệu; một ha mía đạt 80-90 triệu đồng là cao.
Nhiều doanh nghiệp ở thành phố Hải Dương, Quảng Ninh và các cửa hàng nông sản sạch ở địa bàn lân cận tìm đến ký hợp đồng bao tiêu thanh long sạch của HTX. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường gần 100 tấn quả, với giá 18-20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Mô hình trồng thanh long hữu cơ của HTX được Chi cục quản lý chất lượng lâm nông thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Không giấu nghề, giấu bí quyết, các thành viên HTX còn chủ động hướng dẫn người dân trồng thanh long hữu cơ trên địa bàn xã Bạch Đằng. HTX cam kết hỗ trợ toàn bộ giống cây cho người dân, nếu có điều kiện thuận lợi, thu được lợi nhuận, người dân mới phải thanh toán tiền cây giống. Do vậy, không ít hộ trong vùng đã tham gia sản xuất thanh long hữu cơ.
Thanh long ruột tím là sản phẩm tương đối mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hiện nay, sản lượng thanh long của HTX chỉ mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Do vậy, thời gian tới, kế hoạch mở rộng thêm diện tích thanh long đồng nghĩa với việc loại cây này sẽ tiếp tục gia tăng về sản lượng, đóng góp hiệu quả kinh tế cho địa phương.