Ông Trần Văn Mal, ngụ ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang đang trồng 20 công chuối sáp đặc sản. Mỗi buồng chuối sáp đạt hơn 10kg, giá bán ổn định là 9.000 đồng/kg. Ông Mal còn bán bắp chuối giá 4.000 đồng/kg. “Trồng chuối sáp đặc sản nhẹ công chăm, rất dễ bán, giá ổn định, không bị tư thương ép giá…”, ông Mal nói.
Bỏ rau màu trồng chuối sáp đặc sản
Trước đây, gia đình ông Mal chủ yếu trồng rau màu, làm rẫy với các loại cây như: bắp, ớt, sắn… Việc trồng các loại cây này gần đây gặp nhiều khó khăn, do thời tiết biến đổi thất thường khiến năng suất bị ảnh hưởng; tình trạng thương lái ép giá và điệp khúc “được mùa, mất giá” liên tục tái diễn nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, vốn đầu tư các loại cây trồng này khá lớn, công chăm sóc bỏ ra không ít nên ông Mal bắt đầu suy nghĩ, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy ở xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang) có người trồng chuối đặc sản sáp thu nhập cao, ông Mal đến tìm hiểu, mua cây giống về trồng thử nghiệm…
Trồng chuối sáp, hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình ông Trần Văn Mal, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Trên diện tích 8.000m2 (8 công), ông Mal xuống giống với mật độ 200 cây/công. Sau 11 tháng chăm sóc, vườn chuối của gia đình ông Mal cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi công vườn cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Mal tiếp tục mở rộng diện tích thêm 12 công trồng chuối sáp đặc sản, nâng tổng diện tích trồng chuối của gia đình lên khoảng 2ha. Ông Mal cho biết, chuối sáp từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 11 tháng.
Chuối sáp đặc sản có giá bán ổn định, không bị tư thương ép giá.
Trong 6 – 7 tháng đầu, cây sẽ bắt đầu đẻ con nên chỉ khoảng 5 tháng sau bắt đầu thu hoạch tiếp đợt thứ 2. Bình quân mỗi buồng ông Mal giữ lại 9 nải, trọng lượng mỗi buồng đạt từ 11 – 12kg trong năm đầu, đến năm thứ 2 giảm xuống còn 10kg. “Giá chuối hiện nay đang ổn định khoảng 9.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng khác, dù lợi nhuận tương đương nhưng trồng chuối nhẹ công hơn rất nhiều, rất dễ bán; giá cả ổn định, không bị thương lái ép giá so với các loại rau màu khác” – ông Mal chia sẻ.
Chuối sáp đặc sản-cây trồng tiềm năng
Về kỹ thuật trồng chuối sáp, ông Mal cho biết, đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hầu như không đáng kể. Cây chuối sáp chỉ ưa đất tơi xốp có mùn và phù sa, đất càng tốt trái càng lớn và đều.
Ngoài ra, nhu cầu nước tưới của loại cây chuối sáp không nhiều, những tháng mùa nắng, cách 10 ngày ông Mal tưới nước 1 lần; những tháng mùa mưa hầu như không cần tưới nước. Tuy nhiên, trên cây chuối sáp thường xuất hiện tình trạng rệp sáp bám vào trái gây ảnh hưởng đến chất lượng trái, giá bán giảm.
Chuối sáp luộc-1 trong những đồ ăn được coi là đặc sản được ưa thích ở miền Tây trong những năm gần đây.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Mal tiến hành phun thuốc phòng ngừa, điều trị từ lúc mới phát hiện bệnh, cách 10 ngày phun 1 lần cho đến khi không còn dấu hiệu của bệnh là ngưng. “Việc phun thuốc chỉ áp dụng đối với những buồng chuối có bệnh nên chi phí phun thuốc rất thấp, không mất nhiều thời gian, công sức” – ông Mal nói.
Hiện nay, chuối sáp được tiêu thụ khá mạnh, nhất là thị trường Campuchia nên thương lái ở chợ Đồng Ky đến tận vườn để thu mua và thu hoạch nên gia đình ông Mal không phải tốn công. Ngoài bán trái, ông Mal còn bán bắp chuối với giá 4.000 đồng/kg. Qua đó, giúp gia đình ông có thêm đồng ra, đồng vô trong khi chờ thu hoạch trái.
Chuối sáp nướng cũng là 1 trong những món được ưa thích.
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Mal cho biết: “Hiện nay, giá chuối sáp đặc sản đang ở mức cao, được thương lái mua mạnh nên gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, đây chỉ là năm đầu tiên trồng nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của mô hình. Nếu giá cả ổn định như vậy thì thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích để phát triển loại cây trồng này”.