Một góc khu vườn của ông Nguyễn Đình Phượng
Năm 2015, sau mấy năm đi xuất khẩu lao động nước ngoài về, cùng lúc địa phương phát động phong trào phát triển kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu, ông Nguyễn Đình Phượng (SN 1970) chọn phần đất vườn đẹp nhất trồng cây ăn quả và đăng ký xây dựng vườn mẫu.
Nhờ có kỹ thuật xử lý, nhiều loại cây như cam, bưởi của ông Phượng (người bên trái) đã cho quả trái vụ, dự kiến sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần sản phẩm chính vụ
Với diện tích gần 2 ha, ông quy hoạch thành các vùng trồng phù hợp với từng loại cây, trong đó loại cây chủ lực là: Cam, bưởi các loại (1.500 gốc), chanh (500 gốc) và mít Thái Lan (gần 400 gốc). Sau gần 4 năm cần mẫn chăm bón với việc áp dụng kiến thức kỹ thuật bài bản, các loại cây trồng phát triển rất tốt và bắt đầu cho thu hoạch.
Vụ thu hoạch tết vừa rồi, gia đình ông bán được được gần 1 tấn cam, 0,5 bưởi, 0,4 tấn chanh, 0,3 tấn mít. Cùng với nguồn thu trên, từ diện tích trồng keo, tràm (tổng diện tích 10ha), tổng thu nhập bước đầu của gia đình đạt trên 300 triệu đồng năm 2019.
Vườn mít Thái Lan chất lượng cao 3 năm tuổi của ông Phượng đã cho lứa quả thứ 2, hứa hẹn là một trong những sản phẩm nguồn thu lớn
Ông Phượng chia sẻ, đã trải qua bao nhiêu trăn trở và tốn nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi; học ở sách vở, báo, đài, học trên mạng internet và đặc biệt là học từ những thành công, thất bại của những người đi trước.
“Thiếu vốn, có thể vay mượn được nhưng nếu thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất thì không chỉ không có hiệu quả mà còn có thể phá sản, nợ nần” – ông Phượng khẳng định.
Giống cam xoàn vừa được Trung tâm Giống cây trồng – Viện Nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam chuyển giao hơn 2 năm, đã cho quả mùa thứ 2 với chất lượng cao vượt trội so với các loại cam bản địa
Trên khu vườn đã được quy hoạch, trước khi đưa giống về trồng từ 2 đến 3 tháng, ông đã hoàn thành việc đào hố, xử lý vôi bột và lấp đất. Khi có giống cây, chỉ cần xới đất trong hố, bỏ phân và trồng.
“Với cách trồng này, cây không chỉ đạt tỷ lệ sống gần như 100% mà còn phát triển nhanh, mạnh về sau và đặc biệt là kháng chịu được nhiều loại sâu bệnh” – ông Phượng cho biết.
Giống bưởi da xanh có giá trị cao sau 2 năm cũng đã bắt đầu đơm trái
Tất cả số cây chủ lực hiện có trong vườn đều được ông ra tận Trung tâm Giống cây trồng – Viện Nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam lựa chọn và được cán bộ kỹ thuật trung tâm đưa giống về trồng tận vườn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc… Vì vậy, các loại cây trong vườn phát triển rất nhanh, không sâu bệnh và cho quả chỉ từ 2 – 3 năm sau khi trồng.
Điều đáng khâm phục nhất ở ông chủ vườn rừng này là luôn mang trong mình khát vọng đổi mới cách nghĩ, cách làm. Ông là người tiên phong trong việc nghiên cứu, tìm tòi để du nhập những loại giống cây mới.
Trên 100 gốc ổi ruột đỏ giống Đài Loan vừa được trồng thử nghiệm, đã bén rễ và phát triển tốt
Đến thời điểm hiện tại, cùng với hàng ngàn cây trồng bản địa hoặc giống ngoại đã có mặt nhiều năm tại địa phương, vườn của ông đã có gần 100 gốc cây trồng giống mới được Trung tâm Giống cây trồng Trung ương chuyển giao, hiện đã thích nghi và phát triển tốt, cho thu hoạch bói và có chất lượng cao gồm: cam xoàn, bưởi da xanh…
Đầu năm nay, ông du nhập thêm trên 100 gốc ổi ruột đỏ giống Đài Loan và dự định tiếp tục khảo nghiệm thêm nhiều loại giống mới phù hợp để từng bước mở rộng diện tích, giảm dần cây bản địa.
Ông Phượng còn dành thời gian chăm sóc cho khuôn viên sân nhà luôn sạch đẹp
Anh Nguyễn văn Dương – cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Kỳ Trung cho biết: “Không chỉ là một ông chủ cần cù, giỏi giang, tâm huyết, ông Nguyễn Đình Phượng còn luôn sẵn sàng chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm bao năm học hỏi được cho mọi người. Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ, trên trang facebock cá nhân của ông luôn được cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích để chia sẻ với người làm vườn”.
Năm 2017, vườn của gia đình ông Phượng là một trong 2 vườn của thôn Nam Sơn được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu. Mới đây (tháng 1/2020), vườn của ông vinh dự đạt giải nhất cuộc thi vườn mẫu lần thứ 3 của huyện Kỳ Anh. |