Ngày 3/7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1671/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, cây mắc ca được phát triển chủ yếu tại các xã, thị trấn của huyện Kbang; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp của các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh; tiếp tục theo dõi, đánh giá diện tích đã trồng tại các huyện Chư Prông, Chư Sê và Ia Grai để bổ sung vào kế hoạch đến năm 2050.
Tỉnh phấn đấu tổng diện tích trồng mắc ca đến năm 2030 đạt 4.045 ha (hiện tại là 2.146 ha), trong đó, diện tích đã trồng 2.146 ha (trồng thuần 327 ha, trồng xen 1.829 ha); diện tích trồng mới 1.899 ha (trong đó có trên 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP). Đến năm 2050, phấn đấu duy trì diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6.660 ha.
Đi kèm quy mô diện tích và vùng trồng, kế hoạch cũng xác định việc nâng cao chất lượng nguồn cây giống, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tổ chức liên kết sản xuất.
Trong đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh xác định nâng cấp 18 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có; thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 24 cơ sở sơ chế hạt mắc ca và kho bảo quản chuyên dụng tại các huyện Kbang, Chư Păh, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê; đầu tư xây dựng 6 cơ sở chế biến tinh dầu mắc ca.
Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng ít nhất 1 nhà máy chế biến sản phẩm từ hạt và nhân mắc ca với công suất thiết kế khoảng 1.000-2.000 tấn hạt nguyên liệu/năm.
Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15-3-2022.
Phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống sa mạc hóa phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Đồng thời, phát triển bền vững mắc ca trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến mắc ca với cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.