Gia Lai: Bà nông dân U60 bỏ hàng trăm triệu “liều” trồng thứ nho lạ, nhiều người kéo đến xem
Thất bại liên tiếp vẫn quyết trồng bằng được nho hạ đen
Trước đây, gia đình bà Huệ đã gắn bó với cây mía nhưng ở vùng đất cằn này luôn phải gánh chịu điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vì vậy thu nhập đem lại khá bấp bênh. Hơn thế, vào những năm gần đây, cây mía liên tục mất mùa, mất giá khiến bà Huệ càng trăn trở về việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong 1 lần về tỉnh Vĩnh Phúc thăm bà con, bà Huệ đã tiếp cận và tìm hiểu về mô hình trồng nho hạ đen. Tận mắt thấy hiệu quả từ mô hình trồng nho hạ đen cùng nỗi trăn trở tìm loại cây thay vườn mía cằn cỗi, ngay khi vừa trở về Gia Lai bà đã quyết định bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng nho hạ đen.
Theo đó, đầu năm 2020, bà Huệ đã mua hơn 1.300 giống cây nho hạ đen từ Bắc Giang và đưa về trồng tại Gia Lai. Ngoài sự hướng dẫn của bên cung cấp giống, dù đã lớn tuổi song bà Huệ vẫn lên mạng internet học cách trồng, chăm sóc cây trong quá trình phát triển cũng như thu hoạch quả.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Huệ chia sẻ: “Dù biết rằng vốn đầu tư trồng nho khá lớn, song nhìn vườn mía cằn cỗi đang chết dần, chết mòn cùng giá cả quá thấp nên tôi đã đánh liều vay mượn tiền trồng 3 sào nho. Lúc xuống giống, nhiều người can ngăn lắm vì ở Gia Lai chưa ai dám trồng nho. Đúng là không nằm ngoài dự đoán, khi đưa nho về trồng tôi liên tục gặp khó khăn. Sâu bệnh hoành hành cùng ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu khiến vườn nho chậm phát triển”.
Tưởng rằng vườn nho đã lụi tàn nhưng người phụ nữ chân đất U60 đã kiên trì vực dậy vườn nho của mình. Chỉ sau 1 thời gian ngắn những cây nho đã phát triển xanh tốt trở lại trước sự hiếu kỳ của nhiều người. Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa dừng lại với bà. Tháng 9/2020, mưa bão ập đến khiến vườn nho đang xanh tốt một lần nữa bị ngã đổ, gãy thân.
Bà Huệ cho hay: “Nhìn vườn nho tan hoang sau bão, tôi đã mất ăn , mất ngủ mấy ngày trời. Lúc ấy, gia đình nói bỏ đi cho xong, nhưng tôi không đành lòng phá bỏ bao tâm huyết ở vườn nho này nên đã quyết định cắt bỏ những cây gãy và dựng cây bị ngã đổ lên…”.
“Từ những lần thất bại trước đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Theo đó, để cây nho phát triển tốt, chống chọi sâu bệnh tôi đã áp dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ và đầu tư hệ thống nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. Khi nho bắt đầu có quả, tôi thường xuyên cắt tỉa những quả hư, quả nhỏ để có được những chùm nho đều quả. Lá sâu, cành hư đều phải cắt, tỉa không bỏ sót”, bà Huệ chia sẻ.
Nhân rộng mô hình trồng nho hạ đen, kết hợp du lịch sinh thái
Chỉ sau gần 1 năm xuống giống, vườn nho của bà Huệ bắt đầu “đơm hoa, kết trái”. Năm nay, do ảnh hưởng dịch trên cả nước khiến việc bao tiêu sản phẩm nho không được thuận lợi. Vì vậy, bà Huệ đã chủ động bán lẻ trên địa bàn với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg.
Song vì đây là vườn nho đầu tiên tại Gia Lai nên nhiều người đã vượt hàng trăm cây số đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm và mua về làm quà cho gia đình. Cụ thể, vụ mùa này mỗi ngày bà Huệ đã đón hàng trăm lượt khách đến thăm quan.
Theo đó, du khách có thể tự cắt những chùm nho chín mọng rồi đưa đến cân ngay tại vườn. Chính việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch ở vườn nho, nên dù mới đầu vụ mùa nhưng bà đã cắt bán khoảng 1,5 tấn nho (thu về hơn 100 triệu đồng). Theo bà Huệ dự kiến vụ mùa này sẽ cho thu hoạch khoảng 3,5 – 4 tấn.
“Hiện gia đình đang tiếp tục trồng thử nghiệm hơn 300 gốc cây nho hạt và nho dài. Nếu 2 giống nho này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, lồng ghép vào đó là xây dựng du lịch sinh thái. Tôi mong muốn chính quyền có thể mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân muốn phát triển mô hình”, bà Huệ kỳ vọng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Phích – Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ nhận định: “Đây là mô hình còn khá mới của tỉnh. Sau hơn một năm xuống giống nho hạ đen, xã nhận thấy chất lượng và sản lượng gần bằng so với các tỉnh khác. Đặc biệt, người dân nhiều nơi còn háo hức đến chụp, thăm quan và mua về làm quà. Tuy ảnh hưởng dịch và thời tiết nhưng vườn nho đã bán hơn một nửa…”.
“Có thể nói, mô hình vườn nho hạ đen của bà Huệ đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng song song với việc phát triển du lịch trên địa bàn xã”, ông Bùi Phích – Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ, huyện K’bang khẳng định.