Đổi đời nhờ chuyển đổi cây trồng

Chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao đã giúp nông dân Nam Định có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.

Nhờ chuyển đổi sang trồng hoa cúc, gia đình ông Tường (xã Mỹ Tân) khấm khá hơn. Ảnh: Mai Chiến.

Nhờ chuyển đổi sang trồng hoa cúc, gia đình ông Tường (xã Mỹ Tân) khấm khá hơn. 

Những năm trước, diện tích trồng lúa của Nam Định luôn ở mức 160.000ha/2 vụ/năm, song đến năm 2020 diện tích có xu hướng giảm, còn khoảng 147.000 ha. Lý do, một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang cây trồng khác .

Trung tâm Khuyến nông Nam Định cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất mới tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp cho sản lượng hàng hóa lớn, cơ bản đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP) và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nhiều đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào sản xuất ở những vùng chuyển đổi đã phát huy những ưu điểm, lợi thế và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa; là cơ sở thực tiễn, vững chắc để người dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác.

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả tạo điều kiện hình thành nên các chuỗi liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp…

Theo thống kê, đến năm 2020, toàn tỉnh Nam Định đã chuyển đổi được 2.244 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và 403 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình ông Bùi Văn Sớm (xã Hải Quang) đổi đời nhờ cây đinh lăng. Ảnh: Mai Chiến.

Gia đình ông Bùi Văn Sớm (xã Hải Quang) đổi đời nhờ cây đinh lăng. 

Nhiều năm trở lại đây, bà con nông dân xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc mạnh dạn chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm (cây hoa). Đến nay, làng nghề trồng hoa ở địa phương này đang phát triển mạnh và trở thành nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất, nhì ở Nam Định.

 

Hiện, toàn xã Mỹ Tân có khoảng 100ha trồng hoa, tập trung nhiều ở thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2. Bà con nơi đây trồng hoa luân canh, gối vụ với nhiều chủng loại hoa khác nhau.

Ông Phạm Văn Tường (xã Mỹ Tân) cho hay, hiện gia đình ông đang canh tác 6 sào hoa các loại, toàn bộ diện tích được lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm.

Trung bình mỗi vụ, gia đình ông bán ra thị trường hàng vạn bông hoa cúc các loại, với giá dao động 2.000 – 2.500đ/bông; vào những dịp lễ, tết giá bán lên đến 3.000 – 4.000đ/bông, nếu hoa đẹp, đạt chất lượng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông đút túi hàng chục triệu đồng.

Ông Tường khẳng định, trồng hoa cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Nhờ chuyển sang trồng hoa mà gia đình ông khấm khá hơn trước. Có của ăn, của để; con cái được học hành đàng hoàng.

Tại huyện Hải Hậu, các mô hình chuyển đổi từ đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm đều thành công, như mô hình chuyển đổi sang trồng dây thìa canh, lợi nhuận sau chuyển đổi đạt 150 – 160 triệu trồng/ha; chuyển sang trồng cây đinh lăng, lợi nhuận đạt 100 – 110 triệu đồng/ha.

Gia đình ông Bùi Văn Sớm (xã Hải Quang) đổi đời nhờ cây đinh lăng – một loại cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Sớm cho hay, ông có gần 20 năm kinh nghiệm trong việc trồng cây đinh lăng. Hiện ông đang sở hữu diện tích trồng cây đinh lăng lớn nhất xã với quy mô 8,5 mẫu Bắc bộ (tương đương 3ha).

“Với diện tích trên, gia đình đang canh tác 56.000 gốc đinh lăng theo phương thức trồng cuốn chiếu. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 300 triệu đồng”, ông Sớm bật mí và cho biết thêm, mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa.

Tin Liên Quan