Loại hoa này có thời điểm bán giá lên đến 8 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, ít ai biết nguồn gốc thực sự của nó.
Trên mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và mua được hoa, hạt sâm Ngọc Linh. Đây là loại sâm nổi tiếng vì dược tính cao và quý hiếm. Chúng được trồng ở các vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nước ta.
Củ sâm có giá rất đắt đỏ, có thể từ vài trăm đến tiền tỷ mới mua được. Giá trị của củ sâm tuỳ thuộc vào số năm tuổi. Bên cạnh đó, lá sâm, hạt sâm hay hoa sâm cũng có giá siêu đắt. Lá sâm khô giá lên đến 150 triệu đồng/kg, hoa sâm tươi giá 8 triệu/kg, còn hạt sâm thì được bán theo hạt với giá lên 120.000 đồng/hạt.
Thời gian gần đây, nhiều người bất ngờ khi thấy các bài rao bán lá, hoa, hạt sâm Ngọc Linh giá rẻ bất ngờ.
Hoa sâm rất ít, dường như không ai thu bán hoa.
“Chỉ 2,6 triệu đồng/kg, hàng đảm bảo hoa sâm Ngọc Linh chuẩn, tôi trồng trên Lai Châu. Hoa này cuối vụ rồi nên mọi người tranh thủ mua về thưởng thức bằng cách làm trà hoặc ngâm rượu đều được”, một người bán khẳng định.
Tài khoản Ngọc Mến cũng rao bán hoa sâm Ngọc Linh cuối vụ, nếu ai chưa thưởng thức ruợu hoặc trà hoa Sâm Ngọc Linh thì nên thử.
“Hoa sâm thơm nồng, ngọt thanh kèm chút đắng nhẹ đặc trưng. Hoa sâm mát gan giải độc, ruợu hoa sâm càng uống càng tỉnh, uống đến đâu thấm đến đó, trà hoa sâm giải độc thanh nhiệt, an thần, chữa mất ngủ, giải ruợu cực hiệu quả. Em về ít hoa sâm tươi cho khách dùng thử loài hoa quý giá bậc nhất này”, tài khoản này viết.
Ngoài hoa sâm, hạt sâm cũng đang được rao bán giá rẻ giá chỉ 15.000 – 20.000 đồng/hạt. Chị Hồng – một người bán khác ở Hà Nội cho biết, sâm Ngọc Linh đang vào mùa, sản lượng hạt dồi dào nên giá rất rẻ, chị chỉ bán 10.000 đồng/hạt. Nếu khách mua số lượng lớn, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Ông An cho biết hạt sâm Ngọc Linh cũng bán giá rất cao, từ 100.000 đồng/hạt.
Chia sẻ với PV, ông Trần Đức An, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum, cho biết hoa, hạt, lá và củ sâm Ngọc Linh rất hiếm. Ông khẳng định loại hoa được người bán rao trên thị trường là hoa sâm Ngọc Linh 100% từ Trung Quốc. Theo ông, tỷ lệ gieo trồng để sống sót của giống này không nhiều.
Thông thường, cây sâm Ngọc Linh trồng 4 năm mới ra hoa và đậu quả. Khi đến mùa, mỗi nhánh sẽ có một bông. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh thường chỉ có một nhánh, rất ít cây có 2-3 nhánh nên lượng hoa rất ít, cả một vườn không nổi 1kg, không có để bán.
“Do loại sâm này canh tác tự nhiên, quả sâm Ngọc Linh đậu không nhiều, số hạt thưa thớt, không đều như sâm trồng ở Lai Châu hay Vân Nam (Trung Quốc)”, ông nói.
Bên cạnh đó, đa phần các hộ trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum lấy hạt để nhân giống, ít bán ra thị trường. Nếu có bán, giá sẽ khoảng trên 100.000 đồng/hạt, 1 lon sẽ khoảng 100 – 120 triệu đồng.
Theo ông, hiện nay sâm được trồng ở Lai Châu và Vân Nam (Trung Quốc) có hình dáng, hoa và hạt rất giống sâm Ngọc Linh. Chỉ củ của chúng dễ phân biệt, còn nhìn bằng mắt thường ít ai phân biệt được hoa và hạt của 2 loại này. Vì vậy, ông khuyên người tiêu dùng nên chọn lọc cây giống chuẩn và tìm cơ sở uy tín để mua hoặc kiểm tra ADN của sản phẩm mua mới phân biệt được chắc chắn đâu là hàng Ngọc Linh chuẩn và đâu là hàng Trung Quốc.