Đi qua 12 quốc gia, tốt nghiệp trường ĐH danh tiếng tại Hà Lan, có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao nhưng cô gái trẻ này vẫn quyết định trở về VN để làm nông dân.
Sau 3 năm về vườn làm nông dân, chị Lâm Thị Mỹ Tiên (25 tuổi), ngụ xã Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên (Bình Dương), đã phát triển tiềm năng kinh tế của địa phương từ việc trồng cam, quýt; với doanh thu khoảng 3 tỉ đồng/năm.
Từ bỏ công việc hấp dẫn để về làm nông
Gia đình chị Tiên vốn xuất thân từ nghề nông nên ông nội luôn muốn chị sẽ nối nghiệp, nhưng chị từng cho rằng bản thân giỏi ngoại ngữ, có thể tìm được con đường tiềm năng hơn việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
“Thời điểm ấy mình thích đi du học nên không có đam mê về nông nghiệp. Đến năm 2016, mình sang du học tại Trường ĐH Amsterdam (Hà Lan) và mong muốn tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp ở nước ngoài”, chị Tiên cho biết.
Hơn 3 năm du học tại Hà Lan, chị Tiên có thời gian và cơ hội đến nhiều quốc gia, như: Bỉ, Pháp, Đức, Na Uy, Ý… Khi dừng chân tại bán đảo Positano (Ý), những trái chanh vàng nổi tiếng tại đây bắt đầu thu hút sự chú ý của chị. Hầu như mọi thứ ở đây đều liên quan đến loại nông sản này, từ những khu phố nhỏ, nhà hàng sang trọng được trang trí bằng giàn chanh vàng mát mẻ, cho đến từng bộ quần áo, chén đĩa cũng rực rỡ màu vàng chanh…
“Một người dân cho mình biết trước đây bán đảo này không có gì nổi bật, nhưng từ khi họ biết tận dụng trái chanh vàng để làm du lịch thì nơi này thành vùng đất triệu đô. Điều này làm mình bất ngờ vì ở quê nhà cũng trồng nhiều cam, quýt ngon nhưng không làm được như vậy”, chị kể.
Chính việc này khiến chị Tiên lại trăn trở về câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” ở quê nhà. Trong khi trái cam, chanh ở nước ngoài có thể làm kem, bánh pudding, bánh bông lan, rau câu… nhưng ở quê những lúc không bán được chỉ biết lột vỏ lấy ruột cho cá ăn.
“Sản phẩm chế biến từ nông sản VN hiện nay vẫn còn khá ít, việc chỉ bán tươi như vậy khiến người mua không quá mặn mà. Nhưng để người nông dân bắt kịp xu hướng thị trường thì rất khó, thế nên mình mong muốn kết hợp cái mới đã học, cùng kinh nghiệm làm nông của ông bà để thay đổi điều đó”, chị bày tỏ.
Để có thêm kinh nghiệm, chị Tiên sang Tây Ban Nha, Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản học hỏi cách trưng bày, phân loại nông sản, cách làm hợp tác xã và lan tỏa câu chuyện thương hiệu đa nền tảng. Cuối năm 2019, chị quyết định về quê làm nông dân, dù khi ấy chị có thể làm việc cho một hãng hàng không hoặc quản lý chuỗi siêu thị châu Á tại Hà Lan với mức thu nhập hấp dẫn.
Muốn thay đổi bài toán “được mùa mất giá”
Ngày Tiên trở về quê, không ít lời bàn tán cho rằng chị học không nổi nên mới về làm nông và người nhà cũng ngăn cản chị rất nhiều.
“Khi mình quyết định về, ông nội rất vui còn họ hàng, bạn bè đặt ra nhiều thắc mắc và khuyên mình nên quay lại Hà Lan vì còn có thể học cao hơn nữa. Nhưng mình nghĩ là thế hệ trẻ đã đi nhiều, biết nhiều nên muốn trở về để chia sẻ câu chuyện nông sản”, chị cho biết.
Việc trở thành nông dân khiến cuộc sống của Tiên hoàn toàn đảo ngược so với trước kia. Mọi thứ phải học từ đầu nên chị cũng dần thấu hiểu được nỗi vất vả của người nông dân.
“Ban đầu, mình rất sợ nắng, làm gì cũng không nổi nhưng khi ra vườn thường xuyên thì bắt đầu quen với việc dậy từ 6 giờ và làm việc đến tận 22 giờ. Thời điểm tháng 2.2023, cam sành rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg và vườn bị lỗ hơn 100 triệu đồng khiến mình nản chí”, chị Tiên kể và bày tỏ: “Nhưng mình nghĩ ông bà nhờ trồng cam, quýt mà từ trắng tay có thể lo cho mình du học nhiều nơi nên mình muốn cống hiến và áp dụng nhiều phương pháp mới để nâng tầm giá trị hai loại trái này”.
Vậy là chị Tiên bắt đầu nghiên cứu thị trường, trao đổi kinh nghiệm với các tập đoàn về nông nghiệp tại Úc và lập kênh chia sẻ trên mạng xã hội để xây dựng thương hiệu, lan tỏa giá trị nông sản. Hiện, chị quản lý khoảng 10 ha đất vườn, với các loại nông sản, như: cam sành, cam xoàn, cam V2, quýt hồng, quýt đường…, doanh thu khoảng 3 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, chị đang nghiên cứu cách làm sốt cam, quýt trong nấu ăn và rau câu, kết hợp cùng mật hoa dừa để tăng giá trị sản phẩm.
Là khách hàng thân thiết của chị Tiên, anh Trần Quang Hiền (30 tuổi), hiện đang làm tài xế tại Q.3, TP.HCM, cho biết: “Tôi biết Tiên qua các clip đăng tải trên mạng xã hội nên đến nông trại để mua cam, vì đã đi nhiều nhà vườn nên tôi thấy cam, quýt của Tiên ngon không thua kém gì ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) nên quyết định nhập về để kinh doanh. Tiên là người trẻ nhưng rất chịu khó, có chí lớn”.
Ông Nguyễn Nhật Chương (43 tuổi), thành viên Chi hội nông dân tỉ phú Bình Dương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kingwood, cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của Tiên là sự tâm huyết của một người trẻ muốn giải được bài toán “được mùa mất giá” qua những trải nghiệm, kiến thức khi tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản của nhiều nước. Tiên biết cách xúc tiến thương mại, nói lên được câu chuyện thương hiệu, từ đó có thể nâng cao giá trị nông sản vùng miền”.
Chia sẻ về dự định của mình, chị Tiên bày tỏ: “Mình muốn trở thành người thúc đẩy động lực cho giới trẻ làm nông nghiệp, qua những clip làm vườn đăng tải trên mạng xã hội, mình muốn cho mọi người thấy nông sản VN rất ngon, người nông dân cực kỳ quyết tâm và người trẻ có thể thay đổi được bài toán “được mùa mất giá” hiện nay”.