Cây hoàng đàn trên những dãy núi đá của vùng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) được mệnh danh là cây vương mộc vô giá, hầu như đã bị khai thác đến mức tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Nhiều năm trước, một số người dân đã đưa cây hoàng đàn trên rừng về vườn nhà trồng, với ý định bảo vệ giống cây quý. Và hiện nay có gia đình đã thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ việc bán cây giống hoàng đàn.
Những cây rừng hạ thổ quý giá
Từ Quốc lộ 1A, tôi đi theo hướng tây khoảng 30km tìm đến trụ sở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, với ý định nhờ cán bộ xã đưa tới những gia đình đang sở hữu cây hoàng đàn để tận mắt nhìn thấy giống cây đang “sốt” trên mạng thế nào? Cũng may cho tôi khi gặp được anh Nguyễn Văn Khương (sinh năm 1980, cán bộ xã Hữu Liên) đang trực ở bộ phận một cửa của xã. Khi biết ý định của tôi, Khiêm hồ hởi nói: “Mời anh về nhà em ở xóm 7 thôn Liên Hợp để xem cây”.
Về tới nhà, Khương vỗ tay vào cây hoàng đàn ngay trước nhà, với chiều cao khoảng 6m và kể: “Em có anh trai sinh năm 1976, ngày trước anh ý đi rừng thấy cây con thì nhổ về, mỗi anh em trồng một cây ở trước nhà. Khi em lớn thì không còn nhìn thấy cây hoàng đàn ở ngoài tự nhiên nữa, có cây nào mọc ở dưới vách đá sâu thì người ta cũng ròng dây đu xuống bứng lên mang đi bằng sạch”.
Khương kể vào những năm 90 ở vùng rừng Hữu Liên xuất hiện tình trạng săn cây hoàng đàn khủng khiếp, tới mức sạch bách.
Lúc đó nước ta mới mở cửa biên giới, giá hoàng đàn đắt như vàng, người dân khi ấy thiếu thốn nên người ta tìm đến bất kể mỏm núi, thung khe nào có hoàng đàn mọc là khai thác, đào cả rễ lên để mang bán, chỉ có một số cây con bé như chiếc đũa không làm gì được thì mang về nhà trồng. Hiện, trong xã có khoảng hơn chục cây được trồng như thế.
a
Mà giống hoàng đàn ở đây cũng rất lạ, chỉ có vùng xã Hữu Liên và vòng xuống dãy núi Cai Kinh là cây sinh trưởng tốt, ngoài ra thì không nhìn thấy ở đâu khác có cây hoàng đàn ngoài tự nhiên nữa.
Anh Khương cũng bổ sung thêm, tuy bà con ở đây chưa được tiếp cận công trình khoa học nào nghiên cứu về cây hoàng đàn, nhưng qua thực tế chỉ ở Hữu Liên cây mới có lượng lõi gỗ tốt và rất nhiều tinh dầu nên hoàng đàn Hữu Liên là loại cây độc đáo, giá trị cao xếp vào hàng vương mộc chỉ có ở vùng núi này.
Tuy không học về chuyên ngành lâm nghiệp, nhưng nói về cây hoàng đàn, Khương hết sức say sưa khiến người nghe có cảm giác anh hiểu từng hơi thở của cái cây trong nhà mình.
Khương cho biết, cây hoàng đàn này cao khoảng 6m có nhiều nhánh, đặc biệt là cây có 3 tầng quả, quả chín mỗi năm lại theo một hướng khác nhau. Nếu năm nay quả chín ở hướng bắc thì sang năm sẽ chín sang hướng nam, chứ không phải chín đồng loạt, và một quả từ lúc kết trái đến có thể làm giống phải mất 2 năm.
Từ những quả này sẽ ươm được ra những cây giống con. Ở Hữu Liên thì không phải cây hoàng đàn nào có quả cũng ươm được thành cây giống, chỉ một số ít cây mới ươm được mọc thành cây con. Vì thế, những cây tạo được giống bao giờ cũng được bà con chăm sóc rất kỹ vì nó có giá trị rất cao.
Như cây nhà anh Khương, đã có người đến trả giá 1,2 tỷ đồng, mang cả xe cẩu đến để đánh cây nhưng vợ chồng anh nhất định không bán, vì coi như nhà mình có duyên và có lộc nên mới sở hữu được giống cây được mệnh danh là kho vàng vương mộc này.
Mỗi năm thu hàng trăm triệu
Những năm gần đây, trên thị trường cây giống thường diễn ra những giao dịch liên quan tới hoàng đàn Hữu Liên tương đối đắt đỏ, đặc biệt là những cuộc giao dịch trên mạng xã hội. Khi tìm hiểu thông tin để chuẩn bị bài viết, tôi cứ nghĩ rằng đây là những giao dịch ảo, nhưng khi về Hữu Liên tìm hiểu thì thấy, giá cây hoàng đàn đắt đỏ là có cơ sở.
Số lượng cây giống làm tới đâu, khách đặt mua hết tới đó. Kể cả khách ở những tỉnh xa như Bình Dương, Đồng Nai cũng tìm ra tận Hữu Liên để đặt mua vì nơi đây mới có cây giống chuẩn.
Chị Hoàng Thi Xuyến, vợ của anh Khương mấy năm nay đã ở hẳn nhà để làm giống cây hoàng đàn.
Chị Xuyến cho biết: “Những năm gần đây, năm nào nhà em cũng thu hoạch được hơn 2.000 hạt, em ở nhà làm cây giống, mỗi năm vừa bán vừa tặng vẫn thu được 300-400 triệu đồng, đây là lộc của rừng nhà em không có giấu.
Nhưng giống hoàng đàn này cũng kén đất, vì thế việc ươm giống cũng rất kỳ công. Riêng đất thì phải đi mua đất đồi về, hợp thổ nhưỡng thì ươm hạt hoàng đàn xuống mới mọc được lên cây. Nếu dùng đất ruộng, hay đất bẩn thì không bao giờ cây nảy mầm được”.
Theo chị Xuyến, giống cây này cũng rất lạ. Khi cây con có sâu thì phải bắt bằng tay chứ dùng thuốc trừ sâu mà phun thì cây sẽ chết cả loạt. Vì thế, buổi tối vợ chồng chị phải soi đèn pin để bắt sâu cho cây cũng là chuyện bình thường. Sự khó tính của dòng gỗ được mệnh danh là vương mộc này còn thể hiện ở việc chăm bón. Nếu bón bằng phân hoá học thì cây con sẽ bị xoăn lá và chết. Hoàng đàn chỉ ưa phân trâu ủ kỹ cho chết hết mầm cỏ bón thì mới sinh trưởng tốt.
Khi chúng tôi có mặt ở nhà anh Khiêm thì cũng gặp anh Nguyễn Văn Kế (44 tuổi quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) tìm đến mua cây giống hoàng đàn. Anh Kế cho biết: Mình tuy gốc ở dưới xuôi nhưng lên vùng Hữu Lũng này mở vườn trồng cây thuốc nhiều năm rồi, hôm nay may mắn mới mua được 3 cây giống hoàng đàn nhỏ như chiếc tăm, vậy mà giá cũng lên tới 200.000 đồng/cây.
“Nếu không tinh mắt thì dễ mua phải cây sa mộc lắm, vì cây sa mộc và cây hoàng đàn có hình dáng giống nhau, chỉ khi cây sinh trưởng độ 5 năm tuổi thì lá cây hoàng đàn mới xoăn lại, dễ phân biệt hơn.
Sở dĩ mình phải chấp nhận mua cây giống nhỏ mà có giá đắt như thế này là vì chưa bao giờ những sản phẩm của cây hoàng đàn có giá rẻ cả, thấp nhất là mùn cưa, giá cũng 1,5 triệu đồng/kg.
Loại này dùng để làm nến đốt, còn loại gỗ tốt thì lên tới 15 triệu đồng/kg. Còn khi chế tác ra những sản phẩm vòng tay, tượng hay đồ vật trang trí thì vô giá. Mà hoàng đàn Hữu Liên có giá như vậy vì loại gỗ này có một hàm lượng tinh dầu rất lớn, mùi thơm mát, khi chế tác thành đồ gỗ mỹ nghệ để một thời gian thì sẽ lên tuyết trắng trên bề mặt đồ” – anh Kế phân tích.
Còn theo chuyên gia về đồ gỗ Mạnh Sơn thì gỗ hoàng đàn tuyết thường phân bố chủ yếu ở vùng núi cao như Cao Bằng, Lạng Sơn. Đây được cho là loại gỗ chứa nhiều tinh dầu, đặc biệt chúng có khả năng tạo tuyết cực kỳ tốt. Từ thời vua chúa, việc sử dụng loại gỗ này để làm bài vị, đồ cúng tế, tượng, vòng tay… đều đã quá quen thuộc với tất cả mọi người.
Giống gỗ cây này thường sở hữu mùi thơm dịu nhẹ và thanh khiết, chỉ đứng sau đặc tính về mùi của trầm hương.a
Hoàng đàn dù là chủng loại nào đều sẽ sinh trưởng chậm, thường phải cả trăm năm mới cho thu hoạch nên không thể thỏa mãn nhu cầu sưu tầm hoàng đàn của giới thượng lưu. Điều này cũng là một lý do khiến các quốc gia đưa tên giống cây vào danh sách các loài thực vật rừng nguy cấp cần được bảo vệ.