Đinh Vĩnh Khang (29 tuổi, quê Sóc Trăng) hiện đang làm chủ vườn hoa lan với diện tích 4.000 m2, mỗi tháng thu về hơn 100 triệu đồng.
Khang cho hay từ nhỏ mình có niềm đam mê với mai kiểng, bonsai… Tuy nhiên, đến năm 16 tuổi, Khang mới được nhìn thấy những chậu hoa lan rất đẹp, thơm và đa dạng màu sắc, thế là Khang đem lòng yêu thích và mua về chơi.
“Mình nghỉ học sớm, ở nhà làm nông với cha mẹ. Mỗi tháng mình dùng ít tiền để mua lan về chơi, thư giãn tinh thần”, Khang nói.
Đến năm 20 tuổi, Khang được người chú giới thiệu công việc ở TP.HCM. Tuy nhiên, chàng trai quê Sóc Trăng quyết định “khăn gói”lên vườn lan của người chị ở tỉnh Long An để làm, cũng như thỏa mãn được đam mê.
Năm 23 tuổi, Khang dành dụm được 200 triệu đồng và có ý định táo bạo là ra “ở riêng” để tự kinh doanh.
“Cũng tại thời điểm này, gia đình thúc ép mình lấy vợ. Dù hai bên đã đi “xem mắt”, lên kế hoạch đám cưới, nhưng mình quyết định hủy chuyện kết hôn vì mình thấy bản thân còn quá trẻ, chí làm ăn cao, chuyện kinh doanh hoa lan có thể phát triển hơn rất nhiều…”, Khang nói.
Thế là Khang đã “trốn” lấy vợ, mượn thêm người thân gần 200 triệu đồng (tổng gần 400 triệu đồng) thuê mảnh đất rộng 4.000 m2 ở H.Cần Giuộc, Long An và nhập 30.000 giống lan về mở vườn lập nghiệp…
“Thật sự lúc đầu mình khá lo lắng, không biết thiết kế giàn lan ra sao, đầu ra có ổn định hay không. Mình phải chạy hết nơi này đến vườn lan khác để học hỏi cách thiết kế sao cho đẹp và chuẩn…”, chàng trai quê Sóc Trăng thú nhận.
Khang xây dựng giàn hoa lan theo dạng treo, cách đất từ 60 – 80 cm, bên trên được bố trí lưới che mát, phía dưới làm rãnh chứa nước để tạo độ ẩm cho cây. Tuy nhiên, những ngày đầu lập nghiệp, chưa có kinh nghiệm nên gần 15.000 cây lan đã chết.
“Mình đã lạm dụng thuốc, phân quá nhiều. Sau vụ việc này, mình đúc kết rằng cần phải chọn lọc cẩn thận, ưu tiên những nơi bán phân, thuốc chất lượng, uy tín để mua dùng”, Khang thông tin.
Với niềm đam mê ngày càng lớn, Khang qua Thái Lan 4 tháng để học thêm những kỹ thuật, các phương pháp chăm sóc, nhân giống hoa lan. Cũng theo Khang, từ lúc trồng đến đem bán mình mất ít nhất 8 tháng, càng chăm lâu thì giá thành hoa lan càng lên cao. Song, người trồng phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ thì mới cho ra cây phát triển tốt.
“Hoa lan khá nhạy cảm với thời tiết nên người trồng phải chú ý đến độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng. Mình phải nắm hết đặc tính sinh trưởng, phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của từng loại để chăm sóc, bón phân, trị bệnh đúng cách. Mỗi ngày tưới 1 lần với mức tưới vừa phải, phun sương (nước dùng để tưới cũng phải sạch, tránh bị nhiễm phèn sinh ra rong rêu làm cây kém phát triển), chất trồng thì mình dùng xơ dừa, vỏ thông… bên cạnh đó, người chơi có thể dùng nước vo gạo (phần nước trắng lắng xuống) tưới hoa lan một ngày 2 lần sáng và chiều để bổ sung đạm cho cây”, chàng trai quê Sóc Trăng chia sẻ.
Năm 26 tuổi, Khang lập gia đình. Ở thời điểm này, Khang không chỉ trưởng thành, chín chắn để trở thành một người chồng, người cha tốt mà còn đưa hoạt động vườn lan đi vào ổn định.
“Hiện tại, mình đang kinh doanh hàng trăm dòng hoa lan như: vũ nữ, dendro, hồ điệp, chu đinh, pink vip, lan rừng… với giá dao động từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng/cây. Đến giờ, mình vẫn nhớ khoảnh khắc lần đầu tiên bán được chậu lan giá 250.000 đồng, mình đã gọi điện về cho ba mẹ và nói con kinh doanh thành công rồi”, Khang kể lại.
Chàng trai 29 tuổi còn cho biết người mới chơi lan chỉ nên mua cây có giá trị thấp, khi nào nắm vững kỹ thuật chăm sóc hoa mới mua loại lan quý và số lượng nhiều. Hiện vườn lan của chàng trai 29 tuổi xuất bán khắp các tỉnh thành ở VN. Một số khách lẻ trên địa bàn tỉnh, một số vùng lân cận cũng thường xuyên đến mua.
“Để thu hút khách mình luôn chủ động nhập giống mới, lạ, giá cả hợp lý song song với việc bán trực tuyến trên các trang mạng xã hội. Trong quá trình trồng, nếu cây bị bệnh, chỉ cần khách hàng gọi điện thoại, mình sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình. Có những ngày mình bán được hàng trăm đơn hàng, doanh thu từ việc bán lan hơn 100 triệu đồng/tháng”, Khang háo hức nói.
Vĩnh Khang còn cho biết chơi hoa lan việc di chuyển cây dễ dàng, nhân giống cũng dễ, lại có giá trị kinh tế cao. Hiện nay không ít các bạn trẻ có ý định lập nghiệp với cây này. “Muốn theo nghề thì phải chịu khó học hỏi ở nhiều nhà vườn trồng lan. Trước khi mở vườn, bạn phải biết rạch ròi về cách chăm sóc, trị bệnh cho cây cũng như nắm được hết thông tin các giống lan từ cơ bản đến các loại cây đột biến và những loại hiếm khác. Quan trọng là biết tên, hiểu ưu và nhược điểm của từng giống, bạn nên trồng trước một ít giống lan sau đó mới trồng và kinh doanh nhiều dòng cây”, Khang cho lời khuyên.