Là người từng thu hoạch nho rừng, sử dụng qua các sản phẩm từ rượu và mật nho rừng, chàng Bí thư đoàn thanh niên Đồng Chí Nhân, xã Lê Trì (Tri Tôn, An Giang) nhận thấy đây là cơ duyên giúp anh có được ý tưởng khởi nghiệp cho riêng mình.
Chàng Bí thư Đoàn đưa nho rừng về trồng trên triền đồi, quả ra chi chít
Với vai trò là Bí thư Xã đoàn Lê Trì (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), anh Đồng Chí Nhân mong muốn tìm ra được một mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Khi thực hiện thành công sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như thêm lựa chọn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên ngay tại quê nhà.
Thực tế, cây nho rừng là loại cây mọc hoang, tự sinh trưởng trong rừng. Ở vùng Bảy Núi, mỗi khi đến mùa nho rừng chín, người dân lên rừng thu hoạch trái mang về ngâm rượu hoặc đường phèn để uống, với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Là người từng thu hoạch nho rừng, sử dụng qua các sản phẩm từ rượu và mật nho rừng, đây là cơ duyên giúp Chí Nhân có được ý tưởng khởi nghiệp cho riêng mình.
Ý tưởng đã có, nhưng để bắt đầu với một loại cây hoang dại như nho rừng, chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Chí Nhân hiểu rằng, với những loại cây hoang dại như nho rừng thì sức sống rất mãnh liệt nên có thể chịu hạn suốt những tháng nắng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tươi tốt. Tuy nhiên, đó là ở môi trường tự nhiên, không có sự can thiệp của con người.
Thời gian đầu, Chí Nhân lên mạng tìm kiếm rất nhiều thông tin về cây nho rừng. May mắn là tìm thấy mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ nho rừng của một nông dân ở tỉnh Tây Ninh. Như được tiếp thêm động lực, Chí Nhân khăn gói lên Tây Ninh để tham quan trực tiếp mô hình, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Sau chuyến đi về, Chí Nhân cùng nhóm bạn quyết định đầu tư để phát triển, khởi nghiệp với mô hình trồng nho rừng ngay tại địa phương.
“Địa hình của xã Lê Trì có đồi núi và đồng bằng, người dân chủ yếu có thu nhập từ các mô hình nông nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa thực sự nổi bật. Bởi vậy, nếu muốn thành công phải có hướng đi riêng biệt và thực sự nổi bật. Với mô hình trồng nho rừng, mình mong muốn có thể vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn giống nho rừng bản địa” – Chí Nhân chia sẻ.
Với suy nghĩ, đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, Chí Nhân cùng nhóm bạn của mình cũng là những thanh niên ở địa phương có khát vọng khởi nghiệp, cùng nhau triển khai dự án trồng nho rừng.
Đầu tiên, quy hoạch 2.000m2 đất trên triền đồi để trồng thử nghiệm nho rừng. Mỗi thanh niên trong nhóm được phân công cụ thể, từ dọn đất, đặt trụ xi-măng, căng dây cáp làm giàn nho. Đồng thời, chia nhau vào rừng tìm và lựa chọn, ươm thử nghiệm giống nho ở địa phương để có thể chọn được những cây giống chất lượng nhất… Vậy là 100 trụ xi-măng với 200 gốc nho rừng đã nhanh chóng được đặt xuống đất, vươn mình phát triển.
Bên cạnh một số cây giống được mua ở tỉnh Tây Ninh, phần nhiều cây nho rừng trong vườn được Chí Nhân nhân giống thành công từ giống nho rừng bản địa. Hiện, vườn nho rừng đang chuẩn bị thu hoạch, với sản lượng gấp 2-3 lần mùa vụ đầu tiên.
Chí Nhân cho biết, từ khi ươm được cây giống, trồng xuống thì cây nho rừng im ỉm trong đất, không mọc thêm lá, chỉ phát triển một thân vươn dài. Lúc này, phải dọn cỏ, cột cho dây nho leo lên giàn. Khi hạt mưa đầu mùa rớt xuống, cây đủ sức thì mới ra nụ và phải đợi đến lúc hoa đậu thành trái, lá nho rừng mới bắt đầu xuất hiện, xum xuê trên giàn.
“Khi kể lại những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án thì không sao nói hết. Vì ban đầu, dù có tìm hiểu, tham quan thực tế mô hình, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không dễ. Tánh nết của cây nho rừng khi đem về trồng nó không dễ chịu như được sống tự nhiên trong rừng, mà bản thân mình và những người bạn trong nhóm đâu có nhiều kinh nghiệm. Dẫu khó nhưng vẫn làm, sai ở đâu thì sửa ở đó. Đến nay, nhìn cây nho rừng vươn mình trên giàn, ra hoa kết trái, thì sự cố gắng của bọn mình, cùng sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, Huyện đoàn bước đầu đã có thành quả” – Chí Nhân phấn khởi.
Nho rừng cũng có nhiều loại. Tại vườn nho của Chí Nhân có 2 loại phổ biến là loại khi chín trái có màu đen, vỏ dày, khi ủ rượu sẽ rất thơm và có vị chát đặc trưng. Còn với loại trái chín có màu đỏ nhưng vỏ mỏng, mùi vẫn thơm nhưng vị chát ngay đầu lưỡi sẽ giảm hơn.
Bởi vậy, khi tiến hành ngâm rượu hay làm mật nho, Chí Nhân sẽ phối trộn 2 loại này lại với nhau để trung hòa từ hương vị cho đến màu sắc. Ngoài vườn nho trồng trên đất rừng; Chí Nhân còn lên kế hoạch chuẩn bị cho vườn nho rộng gần 2.000m2 trên phần đất gần nhà, cũng như phát triển theo hướng cho du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Chia sẻ về dự định của mình, Chí Nhân cho biết: “Trải qua những khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm đã giúp mình thêm tự tin mở rộng diện tích vườn nho rừng.
Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường về sản phẩm này hiện nay rất nhiều, đặc biệt là sản phẩm bên mình được canh tác hoàn toàn thuận tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc hóa học, nên sản phẩm rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mong là sắp tới sản phẩm từ nho rừng sẽ vươn xa hơn, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Chí Nhân cho biết thêm, nếu nông dân hay đoàn viên, thanh niên ở trong, ngoài địa phương có nhu cầu phát triển mô hình trồng nho rừng, sẽ cung cấp cây giống, chia sẻ kỹ thuật suốt trong quá trình canh tác, cũng như thu mua trái khi đến kỳ thu hoạch.