Cây vải hợp thổ nhưỡng nên phát triển tốt, năng suất chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Tây Nguyên.
Chưa đầy 3 sào đất nhưng mỗi năm gia đình ông Nguyễn Duy Dương thu về hơn 200 triệu đồng, chưa kể khoản tiền bán cây giống
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghé thăm vườn vải của gia đình ông Nguyễn Duy Tiên (thôn 12A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) và gặp rất nhiều người đến mua cây giống, tham khảo kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây đặc sản miền Bắc đang được nhân rộng trên vùng đất Tây Nguyên.
Lợi nhuận cao
Từ một ít cây vải giống Thanh Hà mang từ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương về trồng trên đất nhà rồi lai ghép với giống vải Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), ông Nguyễn Duy Tiên đã tạo ra giống vải mới cho năng suất ổn định, quả to, thơm ngon. Nhiều nhà khoa học đến tận vườn nhà ông nghiên cứu và khẳng định loài cây này thích hợp với vùng đất Đắk Lắk. Tuy nhiên, cho rằng mình chỉ thành công một nửa do vải chín muộn, trùng vụ thu hoạch ở miền Bắc nên giá không cao, từ 2015-2017 ông Tiên tiếp tục ghép cây vải hiện có với giống vải chín sớm Bình Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Giống vải lai lần này giữ được tất cả ưu điểm về chất lượng và vào vụ sớm hơn các tỉnh phía Bắc khoảng 1 tháng, rất được giá.
Năm 2017, vườn vải 1,1 ha của ông Tiên thu hoạch được 13,5 tấn, giá bán 50.000 đồng/kg. Năm nay cũng trên diện tích đó, ông thu được 19,5 tấn, bỏ túi gần 1 tỷ đồng. Ngoài lợi nhuận từ vải, ông còn chiết bán khoảng 10.000 cây vải giống, kiếm thêm 700 triệu đồng. “Sau nhiều năm gắn bó với cây vải, tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và viết thành cẩm nang để chia sẻ kinh nghiệm cho bà con” – ông Tiên cho biết.
Cạnh nhà ông Tiên, gia đình ông Nguyễn Duy Dương cũng vừa trúng mùa vải và đang tất bật chiết cây giống bán. Ông Dương có gần 3 sào đất trồng 80 cây vải, năng suất đạt hơn 4 tấn, bán được hơn 200 triệu đồng. Ông còn chiết được khoảng 3.000 cành giống, đã có khách đặt mua hết. “Khu vực vườn này là đất mượn, san ủi từ ruộng nên nhiều cây trồng không sống được. Riêng cây vải lại phát triển rất nhanh” – ông Dương nói.
Làm chủ kỹ thuật canh tác
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, cho biết vụ vừa qua, năng suất cây vải trên địa bàn huyện đạt khá cao, gần 20 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nếu năm nào không đủ lạnh thì ra trái ít. Nhiều hộ nông dân đã chủ động học hỏi, áp dụng kỹ thuật để cây ra hoa kết trái ổn định.
Năm 2005, ông Nguyễn Văn Nuôi (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) trồng 180 cây vải lai trong vườn cà phê già cỗi. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức chăm sóc nên năng suất thấp. Nhờ kiên trì tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật, 3 năm nay năng suất tăng dần, đạt trên 18 tấn/ha. Để có được kết quả này, năm 2013, ông Nuôi đã xuống TP HCM mời các kỹ sư chuyên ngành cây ăn quả về tận vườn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, bón phân. Ông còn tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng vải hiệu quả. Đến nay, ông Nuôi đã làm chủ kỹ thuật xử lý cho vải ra hoa, đậu quả theo ý muốn.
Anh Đỗ Công Hải (xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) – chủ vườn vải đạt năng suất 20 tấn/ha – cũng cho biết thành công nhờ áp dụng kỹ thuật vào canh tác. Thời tiết Tây Nguyên thất thường, cây vải ưa lạnh nên việc duy trì nhiệt độ ổn định là một trong những điều kiện quan trọng cho cây phát triển. “Tôi đã lắp đặt hệ thống theo dõi nhiệt độ và phun sương tự động nhằm điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong vườn. Bên cạnh đó, phải nắm nhịp sinh trưởng của cây từ điều tiết chất dinh dưỡng cho cây để bảo đảm năng suất, chất lượng” – anh Hải nói.