Ở hầu hết các tỉnh miền núi phía phía Bắc hiện nay, giống mận rất đa dạng, gồm cả giống bản địa và giống được nhập nội về.
Báo NNVN ngày 24/6 có bài “Cây làm giàu số một Sơn La”, ghi nhận hiệu quả kinh tế từ cây mận, giúp đổi thay đời sống cho người dân.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã trao đổi thêm với NNVN về tiềm năng, các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa đối với cây trồng này.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Sơn La nói riêng cũng như một số tiểu vùng ở miền núi phía Bắc có điều kiện về nhiệt độ, khí hậu khá thuận lợi cho một số cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây mận.
Ví dụ Lạng Sơn có mận cơm là giống bản địa, quả nhỏ. Cao Bằng có giống mận máu. Hà Giang có giống mận máu Hoàng Su Phì. Ở Lào Cai vùng Bắc Hà có mận Tả Van, mận Tả Hoàng Ly, mận Trái Tráng Ly.
Những giống mận này đến nay chưa có nghiên cứu nào về nguồn gốc để làm rõ xuất xứ do du nhập ở đâu về hay là giống bản địa, chỉ biết là đã có mặt ở các địa phương này từ rất lâu.
Đặc biệt vùng Bắc Hà, Si Ma Cai của Lào Cai có giống mận tam hoa, mận Tả Van cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ở Sapa cũng có giống mận hậu, tuy nhiên diện tích hiện nay không còn nhiều. Ngoài ra ở Sơn La (tập trung chủ yếu ở Mộc Châu, Vân Hồ) hiện trồng nhiều nhất là giống mận tam hoa, cho giá trị kinh tế cao.
Nhầm lẫn mận hậu với mận tam hoa
Hiện nay, mận hậu là tên tuổi rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông có thể cho biết đặc điểm, triển vọng phát triển của giống mận này?
Cần phân biệt mận hậu và mận tam hoa. Trên thị trường thường nhầm lẫn mận tam hoa là mận hậu.
Mận tam hoa có nguồn gốc du nhập từ Trung Quốc về trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là giống mận quả to, tròn, khi chín màu tím sẫm, ruột quả màu tím.
Mận tam hoa hiện có diện tích rất lớn, chủ yếu được trồng ở Mộc Châu của Sơn La, một phần ở Si Ma Cai, Bắc Hà của Lào Cai, và chính là loại mận được bán thông dụng nhất trên thị trường.
Trong khi đó, mận hậu (tập trung chủ yếu ở Sapa) khi còn xanh quả màu xanh nhạt, hơi thuôn dài, đít nhọn, khi chín vỏ quả hơi chuyển sang xanh vàng, ruột quả màu vàng.
Mận hậu ngọt, quả to, chất lượng tốt, nhưng do năng suất quá thấp, cây cao khó thu hoạch nên khó phát triển, diện tích hiện còn rất ít.
Ngoài các giống mận (tạm coi là bản địa), hiện nay ở nước ta còn có thêm một số giống mận nhập nội. Trong đó có 2 giống mận (một của Úc và một của Pháp) đã được nhập nội để khảo nghiệm và đưa ra sản xuất tại Trung tâm Cây ôn đới (Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc).
Trong đó, giống mận nhập nội của Úc cho thấy có triển vọng hơn, bởi đây là giống cho năng suất, chất lượng khá, đặc biệt là chín sớm hơn so với các giống mận trong nước.
Tại Mộc Châu (Sơn La) hiện nay cũng có 3 giống mận được nhập nội của Pháp trong khuôn khổ một dự án, hiện đang được trồng tại Hợp tác xã 19-5.
Trong đó, đã chọn được một giống mận chín sớm (chín trước mận tam hoa khoảng 1 tháng), tuy nhiên chất lượng lại không bằng mận tam hoa, nhưng cũng cho hiệu quả kinh tế cao do chín sớm, bán được giá cao.
Cần sớm “trẻ hóa” vườn mận
Mận tam hoa được đưa lên Mộc Châu (Sơn La) từ thập niên 80, nhiều diện tích được trồng trong thập niên 90, đến nay đã trên dưới 30 năm tuổi, già cỗi. Có giải pháp nào để cải tạo những vườn mận này không, thưa ông?
Mận là cây trồng khá khác biệt so với các loại cây ăn quả khác, bởi chất lượng quả gần như không phụ thuộc vào độ tuổi của cây. Ví dụ cây có múi, trong khoảng 3 năm đầu tiên cho quả, chất lượng quả thường kém, cây phải càng già thì chất lượng quả càng ngon.
Tuy nhiên mận thì lại khác, ngay từ khi cây cho quả lần đầu chất lượng quả cũng không có sự khác biệt lớn so với những cây già tuổi.
Với đặc điểm này, việc lựa chọn phương án cải tạo đối với các vườn mận già cỗi theo tôi là cần phân làm các nhóm khác nhau.
Với nhóm cây khoảng 20 năm tuổi trở lại mà thân tán đã lớn, muốn cải tạo thì có thể lựa chọn phương án đốn trẻ nhằm tạo ra bộ thân tán mới. Theo đó có thể đốn bớt cành già cỗi để tạo ra cành mới có sức sinh trưởng khỏe hơn.
Đối với những vườn mận quá già, trên 20 – 30 năm tuổi, bản thân bộ rễ, thân cành cũng đã già cỗi.
Quan điểm của tôi đối với những vườn mận này, phương án tốt nhất là nên trồng lại, bởi mận sau khi trồng lại thì chất lượng quả cũng không bị thay đổi nhiều so với cây già, mà lại cho năng suất cao hơn.
Điều này cũng rất thuận lợi để nhà vườn có thể tạo hình, tạo tán cho vườn mận một cách bài bản ngay từ đầu.
“Bộ NN-PTNT đang giao Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai dự án nghiên cứu quy hoạch cây ăn quả cho 6 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Sơn La. Trong quá trình triển khai dự án này, chúng tôi sẽ cố gắng đánh giá kỹ một số đối tượng cây ăn quả có những yêu cầu đặc thù về sinh thái, trong đó có cây mận để đánh giá khả năng mở rộng sản xuất của cây trồng này.
Ngoài Mộc Châu là vùng trồng chính đã khẳng định được sự phù hợp, mận còn được trồng tại nhiều nơi ở Sơn La như Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, TP Sơn La, Thuận Châu… Tuy nhiên chưa có những đánh giá cụ thể về chất lượng, năng suất, khả năng sinh trưởng phát triển”.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng
Mận là cây phải trồng 2 – 3 năm mới cho quả sai, vì vậy nông dân thường có tâm lí không muốn chặt bỏ để trồng mới vườn mận già cỗi vì sợ mất nguồn thu nhập thường xuyên.
Để giải quyết bài toán này, có thể lựa chọn phương án trồng xen mới cây con ngay trong vườn mận đã già cỗi.
Theo đó khoảng cách giữa 2 cây mận là khoảng 5-6 m, có thể trồng xen mới một cây con.
Hàng năm, có thể kết hợp đốn tỉa dần cây mận già để mận con phát triển. Khi mận trồng mới đã khép tán tương đối, bắt đầu cho quả đáng kể thì có thể phá bỏ hoàn toàn những cây già để tập trung chăm sóc cho mận con.
Đây là phương án vừa có thể đảm bảo thu nhập cho bà con, vừa có thể cải tạo trồng mới được vườn mận.
Nhờ hiệu quả kinh tế nên mận đang được trồng mới, mở rộng diện tích khá lớn. Bà con thường nhân giống mận để trồng bằng cách chiết cành. Một số thì nhân giống ghép mận trên gốc đào… Vậy phương pháp nhân giống nào thì tối ưu nhất?
Lâu nay, nông dân các vùng trồng mận chủ yếu nhân giống mận bằng một số cách truyền thống, một là chiết cành, hai là chặn rễ (để mọc cây con từ rễ).
Cả hai phương pháp này đều có thể cho ra cây con mang đặc điểm di truyền nguyên bản từ cây mẹ, nhưng hệ sống nhân giống lại thấp, nếu trồng với diện tích lớn thì khó đáp ứng được.
Bên cạnh đó, mận chiết cành do không có rễ chùm nên khả năng chống chịu, độ bền của cây kém hơn so với ghép.
Đối với cây mẹ mang mầm bệnh, thì các phương pháp nhân giống như chiết cành, chặn rễ sẽ khiến cây con mang theo mầm bệnh.
Vì vậy, để nhân giống một cách đảm bảo chất lượng, kiểm soát được dịch bệnh, có hệ số nhân giống cao, giúp cây mận bền hơn (do có rễ cọc) thì vẫn phải tiến tới nhân giống mận bằng phương pháp ghép.
Đây cũng là phương pháp mà các nước sản xuất mận lớn trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, chúng ta có cái khó là hiện chưa có nghiên cứu bài bản nào về tổ hợp ghép đối với cây mận.
Đây là điều mà các nước trồng mận lớn họ đã có nghiên cứu bài bản, lựa chọn được tối ưu xem giống mận nào thì nên ghép với gốc ghép gì.
Bởi ghép không làm thay đổi bản chất di truyền của cây ghép, nhưng giữa gốc ghép và cành ghép có sự tác động ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Có những giống ghép trên gốc ghép này thì sinh trưởng khỏe, nhưng ghép lên gốc ghép khác thì lại yếu.
Hiện nay, nhiều nơi nông dân cũng đã thực hiện nhân giống mận bằng phương pháp ghép, phổ biến là mận ghép trên mận và mận ghép trên đào. Song mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm. Mận ghép trên mận thì nhược điểm là sinh trưởng chậm, thời gian nhân giống chậm, lâu cho quả.
Trong khi mận ghép trên đào sinh trưởng nhanh hơn, nhưng có nhiều nghiên cứu cũng như kinh nghiệm người dân cho biết cây không bền, thường bị bệnh chảy gôm trên thân nhiều.
Trong khi chưa có những nghiên cứu bài bản, nếu nhu cầu nhân giống không lớn, phạm vi hẹp, thì phương pháp nhân giống tốt nhất vẫn là chọn được cây mẹ tốt, sạch bệnh để ghép cành.
Mộc Châu (Sơn La) là vùng đã khẳng định được sự phù hợp đối với cây mận, cho năng suất, chất lượng tốt, đặc biệt là với giống mận tam hoa. Tuy nhiên qua một giai đoạn quá dài trồng bằng phương pháp chiết cành, nên cũng đã có sự thoái hóa, phân li giống.
Đối với mận tam hoa, hiện đã phân li thành hai dạng, một là giống cho thu hoạch đại trà, và một dạng giống cho thu hoạch muộn hơn. Hiện nông dân đã chọn được giống mận tam hoa biến dị tự nhiên, chín muộn hơn khoảng 1 tháng so với lứa đại trà.
Thực tiễn này cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao, tập huấn kỹ thuật thâm canh cho cây mận như bón phân, tỉa cành, sử dụng thuốc BVTV, canh tác bền vững, cần phải có những đề tài nghiên cứu bài bản để bình tuyển, xây dựng được các vườn cây đầu dòng, có tiêu chí cụ thể cho từng giống mận đảm bảo chất lượng, năng suất, phù hợp với từng vùng sinh thái.
Đây cũng là vườn vật liệu phục công tác nhân giống nhằm thay thế các vườn mận già cỗi, hoặc trồng mới.
Bên cạnh đó, có thể nhập nội thêm các giống mận để đánh giá, đưa ra sản xuất nhằm đa dạng hơn về giống, kéo dài mùa vụ.