Hơn 300 hộ gia đình ở đây, hầu như nhà nào cũng sở hữu một cây. Mỗi cây có thể cho thu về hàng chục triệu đồng.
Được coi là loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, quả trám đen ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hoà, Bắc Giang) được thương lái khắp nơi lùng mua với giá từ 120-130 nghìn đồng/kg tại gốc. Nhờ vậy, những hộ trồng trám nơi đây có thể cho thu về hàng chục triệu đồng/vụ nhờ bán quả trám.
Những cây trám cổ thụ có thể cho thu hoạch vài tạ quả/năm. (Ảnh: Trần Lưu).
Theo đó, hơn 300 hộ gia đình của làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, nhà nào cũng có ít nhất 1 cây trám cho quả trong vườn. Mỗi cây cho thu hoạch từ vài chục kg cho đến hàng tạ quả.
Cây trám mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, lên tới hàng trăm nghìn đồng/kg quả. (Ảnh: Trần Lưu).
Trong đó, sở hữu nhiều cây trám cho ra quả ổn định nhất phải kể đến gia đình anh Chu Văn Bắc đang sở hữu khoảng 20 cây trám đen. Mỗi cây trám cổ thụ cho thu hoạch từ 1-2 tạ quả tươi/năm. Những cây từ 20-30 năm tuổi thì cho thu hoạch vài chục kg/cây.
Những cây trám cổ thụ cao lớn lại có tán rộng, để hái được quả phải đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm. (Ảnh: Trần Lưu).
Anh Bắc cho biết, năm nay, vườn nhà anh thu hoạch được hơn 1 tấn quả, bán tại vườn với giá từ 120-140 nghìn đồng/kg, có bao nhiêu cũng bán hết bấy nhiêu.
Tiếp đó là vườn trám của gia đình chị Ngô Phương Thuỷ, trú tại thôn Vân Xuyên đang sở hữu 7 gốc trám cổ thụ trên 100 năm tuổi và hơn 10 gốc trám từ 20-30 năm. Mỗi năm, vườn trám cho thu hoạch từ 1-2 tấn quả.
Để hái được quả phải cần 2-3 người, trèo lên từng cành rồi lấy sào để rung, đập cho trám rụng. (Ảnh: Trần Lưu).
Những ngày này, thương lái khắp nơi tìm về đây đông đúc, nhộn nhịp để lùng mua bằng được quả trám đen, loại quả mà người dân coi là “vàng đen” của làng.
Sở hữu gốc trám được coi là một trong những cây trám cho quả ngon nhất nhì của xã, ông Ngô Văn Tục, xóm Đông, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân (Hiệp Hoà, Bắc Giang) cho biết, năm nay, cây trám nhà ông chu thu hoạch gần 3 tạ quả.
Tiền công thuê thợ hái trám cũng phải mất vài triệu đồng/cây. (Ảnh: Trần Lưu).
“Cây trám này có tuổi đời phải gần 70 năm rồi. Từ ngày xưa các cụ đi rừng, thấy cây trám cho quả ngon nên nhặt hạt về ươm trong vườn nhà. Trồng nhiều nhưng mỗi cây này cho quả ngon vì trám cũng có giống đực, giống cái”, ông Tục nói.
Chỉ vào cây trám cổ thụ phải 2 người ôm mới xuể, ông Tục cho biết, cây trám này năm nay cho thu hoạch gần 3 tạ quả. Giá bán tại gốc là 120 nghìn đồng/kg. Trừ công thuê người hái, gia đình ông thu về hơn 30 triệu đồng.
Cây trám nhà ông Tục năm nay cho thu hoạch gần 3 tạ quả. (Ảnh: Trần Lưu).
Theo ông Tục, trám đen cả năm mới có một mùa nên thợ trèo hái trám thuê cũng “có giá” vì không phải ai cũng biết trèo và hái quả nhanh, thuần thục nên thợ trèo trám luôn “đắt show”.
“Nhà tôi phải thuê 2-3 người hái với giá từ 500-600 nghìn đồng/ngày để hái trám. Hái xong cây này cũng phải mất mấy triệu tiền công”, ông Tục nói.
Dưới mỗi gốc trám được rải bạt để quả rụng xuống không bị dập, nát. (Ảnh: Trần Lưu).
Vì cây trám cao lại có tán rộng nên thợ hái trám phải treo lên cây, dùng sào rung cành cho trám rụng xuống. Phía dưới gốc trám phải được lót bạt để làm sao trám rụng xuống không bị dập mà vẫn còn nguyên phấn.
Thợ trèo lên cây hái quả còn người nhà thu gom vào rồi bán cho thương lái. (Ảnh: Trần Lưu).
Ông Tục cho hay, trước cây, quả trám đen chỉ được trồng làm bóng mát, lấy gỗ và lấy quả phục vụ nhu cầu trong gia đình chứ ít người mua vì ít người biết ăn loại quả này.
Những quả trám hình thoi được coi là “vàng đen” của làng. (Ảnh: Trần Lưu).
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích loại quả này. Quả trám từ đó được chế biến thành sản phẩm đóng hộp, dán tem, nhãn và đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc. Vì thế, cứ đến mùa trám là thương lái đổ về, có đến đâu mua hết đến đó.
Trám thu hoạch đến đâu được mua luôn tới đó với giá từ 120-140 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Trần Lưu).
Giải thích nguyên nhân quả trám đen nhiều năm nay luôn có giá cao, ông Tục cho rằng, để trồng một cây trám từ khi gieo hạt đến khi cho thu hoạch quả ổn định phải mất khoảng 10 năm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường ngày càng cao, cung không đủ cầu.
Từ loại quả quê mùa ít người biết tới, trám đen trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Trần Lưu).
“Kể cả trám ghép cũng phải mất khoảng 5 năm mới phát triển ổn định và cho quả. Nếu cho quả cũng chỉ có vài chục quả/cây nên ít nhất cũng phải 10 năm mới ổn”, ông Tục phân tích.