Cam ra ‘trái ngọt’, Hà Giang tính chuyện dài hơi hơn

– Với 10.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt 63.000 tấn, tỉnh Hà Giang chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng cam, thay vào đó, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các mô hình canh tác an toàn, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” cho cam Hà Giang 

Trồng cam thoát nghèo

Năm nay 27 tuổi nhưng chị Bàn Thị Khẽ ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã có hơn chục năm gắn bó với nghề trồng cam. Hiện, gia đình chị Khẽ có khoảng 100ha cam đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

“Gia đình tôi trồng cam theo hướng hữu cơ, cam chủ yếu “ăn” đỗ tương nên hương vị rất thơm ngon, an toàn. Chính vì vậy, dù thị trường cam đang bão hòa do sản lượng tăng vọt nhưng gia đình tôi vẫn tiêu thụ tốt với giá ổn định” – chị Khẽ cho biết.

Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế năm 2020 tổ chức tại Hà Nội, sản phẩm cam, quýt của gia đình chị Khẽ vẫn được bán với giá 40.000 đồng/kg. Được biết, nhờ trồng cam, gia đình chị Khẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Trần Việt Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ. trong những năm qua, tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, song song với việc quy hoạch định hướng lại hàng hóa nông nghiệp gắn với ban hành các cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, sản phẩm thịt bò và thảo quả; đồng thời, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tỉnh đã đánh giá, phân hạng cho 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 04 sao và 02 sản phẩm đạt 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận…

Ngoài cam, sản phẩm chè của Hà Giang có sản lượng đứng thứ 3 cả nước (trong đó có 7.200 ha trà Shan tuyết cổ thụ) và tại cuộc thi Trà quốc tế 2019 tổ chức tại Pháp, sản phẩm Trà Shan tuyết Cổ thụ Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đã đạt được 3 giải thưởng cao nhất…

Thông qua công tác xúc tiến thương mại, một số sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Giang đã tạo được thị trường ổn định và tiêu thụ mạnh ở trong nước như cam sành, chè, mật ong…, đặc biệt sản phẩm chè đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Trong đó, riêng sản phẩm cam, hiện Hà Giang có khoảng 10.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt 63.000 tấn. Trong đó, sản phẩm cam sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích 6.849,1 ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Cây cam trên đất Hà Giang thực sự đã ra “trái ngọt” với nhiều người nông dân. 

Đẩy mạnh chế biến sâu

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, những năm qua, Hà Giang còn ban hành cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như: cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP, trong đó sản phẩm cam luôn được ưu tiên hàng đầu.

Nâng cao giá trị sản xuất, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhiều sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng.

Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết: “Những năm gần đây, Hà Giang coi xúc tiến thương mại là vấn đề quan trọng hàng đầu, có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở ngành nên chúng tôi đã chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại ngay từ lúc cam mới ra hoa để người tiêu dùng cả nước nắm bắt được về quy trình sản xuất và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, Hà Giang có hai sản phẩm chính gồm cam vàng và cam sành, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Đề án cây có múi trên địa bàn tỉnh, do đó, chúng tôi sẽ quy hoạch lại toàn bộ vùng nguyên liệu của tỉnh, vùng nào trồng cam sành, vùng nào trồng cam vàng, để diện tích không mở rộng thêm, đảm bảo sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, có chỉ dẫn địa lý”.

Theo ông Quyền, tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến, tuy nhiên sản lượng chế biến chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng. “Trong tương lai, để đảm bảo tiêu thụ, ổn định đầu ra, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm các đơn vị chế biến đảm bảo cho các sản phẩm cam cung cấp cho người tiêu dùng quanh năm, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” – ông Quyền nhấn mạnh.

Tin Liên Quan