Hiện Mỹ đã mở cửa thị trường cho 6 loại trái cây của Việt Nam, gồm thanh long, nhãn, vú sữa, vải, xoài, chôm chôm. Dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm loại trái cây thứ 7 là bưởi da xanh của Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ.
Đó là thông tin của ông Hoàng Trung, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại buổi họp báo về công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ.
Mỹ sẽ mở cửa thị trường cho trái bưởi da xanh
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao trách nhiệm chính trong việc đàm phán mở cửa thị trường trái cây với các nước.
Ông Trung cho biết, trái cây tươi từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được chiếu xạ có sự giám sát của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ.
Tại thị trường Mỹ ngoài việc đã đàm phán xong để xuất khẩu sang thị trường này 6 loại trái cây trên, sắp tới đây và có thể là trong năm nay, nếu không có gì thay đổi thì chậm nhất là vào tháng 12 Cục BVTV sẽ cùng với phía APHIS mở cửa để trái bưởi da xanh của Việt Nam vào thị trường Mỹ và ngược lại trái bưởi chùm của Mỹ sẽ vào thị trường Việt Nam.
“Hiện nay, các các khâu kỹ thuật hầu như đã là hoàn tất nếu không có gì thay đổi thì trong thời gian tới, 2 bên sẽ tiến hành thêm các bước để sau đó thống nhất cho xuất khẩu 2 loại trái cây này vào thị trường của 2 nước”, ông Trung thông tin.
Để có thể xuất khẩu ngày càng nhiều loại trái sang các thị trường khó tính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các địa phương thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân về quy hoạch sản xuất, sau khi đàm phán mở cửa thị trường có sẵn vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, Cục sẽ phổ biến toàn bộ các quy trình và hướng dẫn cụ thể đến các doanh nghiệp, người sản xuất để làm sao đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Mở cửa thị trường đã khó giữ thị trường càng khó!
Mỗi thị trường nhập khẩu đều có những quy định riêng của họ và thông thường có hai vấn đề chính. Một là, phải đáp ứng các yêu cầu về vấn đề bảo vệ thực vật. Mỗi nước đều có yêu cầu khác nhau nhưng riêng với thị trường Mỹ thì ngoài các tiêu chí và các quy định chung, trái cây trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được chiếu xạ dưới sự giám sát của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS). Đây là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm sẽ bị mất uy tín và khó giữ thị trường.
Hai là, yêu cầu đối với dư lượng thuốc BVTV, nước nhập khẩu bắt buộc nước xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng nước nhập khẩu cho phép. Đây là quy định chung của tất cả các nước nhập khẩu.
Do vậy, Cục BVTV đã đưa ra các chương trình: Một là chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, chương trình này được thực hiện hàng năm trên cây lúa và các loại cây ăn trái.
Hai là, chương trình hướng dẫn cho người dân áp dụng biện pháp BVTV trên đồng ruộng để xử lý các loại côn trùng sâu bệnh mà các nước nhập khẩu yêu cầu để cây trồng không bị nhiễm các loại sâu bệnh đó.
Ba là, tập huấn và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học và vấn đề này Cục đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập huấn “cầm tay chỉ việc” cho người nông dân để sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ cho 100 triệu dân trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó còn có những chương trình khác như chương trình sản xuất Vietgap và Globalgap, chương trình IPM … nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đáp ứng các vấn đề về dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu.
Ông Timothy Westbrook, chuyên gia APHIS cho biết, Việt Nam xuất khẩu 6 loại trái cây gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài sang Mỹ đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm. Khi hai nước mới bắt đầu bắt nối lại quan hệ ngoại giao thì kim ngạch song phương của 2 nước trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 200 triệu USD, nhưng sau 25 năm thương mại song phương ở lĩnh vực nông nghiệp đã đạt gần 8 tỷ USD.
Lý giải tại sao kim ngạch xuất khẩu trái cây ngày càng tăng, ông Timothy Westbrook cho rằng người dân của cả hai nước điều rất thích ăn trái cây, người tiêu dùng bên Mỹ thì thấy trái cây của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều ở các siêu thị và họ cũng rất thích các loại trái cây này. Còn người tiêu dùng Việt Nam, khi kinh tế của Việt Nam càng ngày càng phát triển họ cũng muốn sử dụng các loại trái cây chất lượng cao mà Mỹ sản xuất được như táo, nho, việt quất… Đây là dấu hiệu rất đáng mừng cho sự tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước.