Đến thăm vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang chín rộ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đích thân sở hữu một cây vải thiều theo mô hình “Cây vải vườn tôi”. Đây là cây vải thiều nằm trong vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Nhật Bản.
Về thông tin này, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định với Dân Việt sáng 7/6: Vườn vải may mắn được “bán” nguyên một cây cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan là gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng THT Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn xác nhận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt biển sở hữu một cây vải theo mô hình “Cây vải vườn tôi” tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Sơn nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ, EU do ông Mến làm tổ trưởng.
“Tổ hợp tác sản xuất vải thiều hữu cơ thôn Đồng Giao có 9 hộ tham gia với diện tích trên 10ha, vườn vải nhà anh Nguyễn Văn Sơn có diện tích 1,3ha, nằm ở trung tâm, ven đường liên thôn, năm nay vườn nhà anh Sơn cũng rất được mùa, mã vải đẹp nên ai đến cũng thích. Không chỉ Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều cán bộ tỉnh Bắc Giang cũng đã đến đặt mua cây của các thành viên trong tổ hợp tác của chúng tôi”, ông Mến thông tin.
Được biết, Tổ hợp tác của ông Mến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… Năm 2020, được chính quyền địa phương và ngành chức năng hỗ trợ, ông cùng một số hộ khác trong thôn thành lập tổ hợp tác sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ, tổng diện tích trên 10 ha. Do tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nên được phía Nhật Bản đồng ý cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang nước này năm 2020.
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, được cấp mã số xuất khẩu sang Nhật Bản nên ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên trong tổ hợp tác vẫn bán được vải với giá 25.000 đồng/kg. Năm 2022, tổ hợp tác được Công ty cổ phần Việt Pháp (Hà Nội) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang) ký hợp đồng thu mua với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.
“Vụ vải năm nay, các doanh nghiệp, đơn vị cũng đến đặt hàng, thu mua vải của tổ hợp tác với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg”, ông Mến cho biết.
Vụ vải thiều năm nay, ngoài việc mở rộng xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây theo mô hình “Cây vải vườn tôi”.
Ông Trần Văn Hành (trú thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) là một trong những người tiên phong liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch vườn vải, bán vải nguyên cây ở địa phương.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hành cho biết, vụ vải năm nay ông đã bán được hơn 10 cây vải, giá từ 10 – 10,5 triệu đồng/cây. Khi giao dịch xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên khách hàng. Còn từ tháng 3/2023 đến nay, vườn nhà ông đã đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Đón khách du lịch không chỉ có thêm lợi nhuận mà việc tiêu thụ vải của gia đình cũng thuận lợi hơn nhiều”, ông Hành thông tin.
Mới đây, khi đến thăm mô hình sản xuất vải thiều kết hợp du lịch ở HTX Sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn, thôn Chão, xã Giáp Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tiềm năng cũng như ý tưởng, cách làm du lịch của hợp tác xã và các hộ dân.
Bộ trưởng đề nghị địa phương, doanh nghiệp lữ hành và người dân cần quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch. Quan tâm tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn, dễ vận chuyển để cung cấp cho du khách.
Bộ trưởng khẳng định làm du lịch miệt vườn giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tạo ra được nhiều cảm xúc, trải nghiệm ý nghĩa.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mùa vải thiều, góp phần quảng bá và phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh.