Sau 4 năm khởi nghiệp, bằng ý chí, sự kiên trì bền bỉ, nông dân 9x Hoàng Văn Cương đã hái quả ngọt, thu lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu từ vườn nho Hạ Đen, là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022.
Từng không muốn làm nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Sinh ra và lớn lên ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên – một vùng ngoại ô Hà Nội, như bao bạn bè cùng trang lứa, trong suy nghĩ của Hoàng Văn Cương (SN 1997), chỉ có con đường học hành mới giúp Cương và gia đình có cuộc sống bớt khó khăn, vất vả, thoát cảnh đói nghèo. Bên ấm chè thơm vừa hãm, Cương kể cho chúng tôi nghe về quá trình khởi nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp bằng ưu Khoa Cây trồng, Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Cương được nhận vào làm tại Công ty Hàm Long Nông nghiệp Việt Trung. Ở thời điểm đó, công việc, thu nhập của Cương là ước mơ của nhiều sinh viên mới ra trường.
Trong một lần vô tình mua nho Hạ Đen, Cương thấy quả chua, vỏ dày, ăn xong bị ngứa cổ, màu sắc không đẹp, Cương nhớ lại những kiến thức mình từng được học ở trường và tự đặt câu hỏi “Tại sao người Trung Quốc làm được mà người Việt Nam lại không?”.
Cương được các giáo sư Trung Quốc trực tiếp giảng dạy, trao đổi kĩ thuật, kinh nghiệm trồng giống nho Hạ Đen nên anh rất tự tin vào vốn kiến thức của mình. Hơn nữa, ngôi trường mà Cương theo học là nơi trồng khảo nghiệm thành công giống nho Hạ Đen do Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) chuyển giao tại Việt Nam.
Cương chưa từng có ý định theo đuổi ngành nông nghiệp vì mọi người hay gọi vui là nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sau khi ra trường, Cương mong muốn làm việc văn phòng tại các công ty, tập đoàn lớn.
“Cho con trai làm nông nghiệp chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của mẹ tôi bởi bố mẹ tôi đã cả đời vất vả với nghề nông. Chắt chiu, dành dụm mãi, tôi mới có thể học hành được như ngày hôm nay”, Cương nói.
Đầu năm 2019, Cương khăn gói về quê, bước những bước đi đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp gian truân của mình trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ, anh chị em, họ hàng và xóm giềng. Cương chia sẻ, khi Cương thông báo muốn “dấn thân” làm nông nghiệp sạch, bố mẹ đều phản đối vì công việc lúc đó đang ổn định, hơn nữa còn ở thành phố. Giờ quay về quê làm nông, trước là vất vả, sau là bấp bênh mà không biết kết quả ra sao. Nhiều người độc miệng còn nói Cương gàn dở, bị điên.
Vượt qua định kiến, 9x thành danh nhờ mô hình trồng nho Hạ Đen
Trước sự can ngăn của gia đình, định kiến của bà con làng xóm, Cương kiên định với lựa chọn của mình, khởi nghiệp với cây nho Hạ Đen bởi anh nhận thấy, giống nho này đang có nhiều triển vọng ở miền Bắc, nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từng là bạn học tại Khoa Cây trồng – vợ Cương hiểu nên rất ủng hộ quyết định của chồng. Cương vay thêm 20 triệu đồng cùng 10 triệu đồng tiền vốn, mượn một sào đất của bố vợ ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn thử nghiệm giống nho Hạ Đen. Thời điểm đó, Cương vẫn đi làm ở Bắc Giang để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cuối tuần tranh thủ về Lạng Sơn chăm sóc vườn nho.
Cương đầu tư bài bản, khoa học với đầy đủ nhà giàn, mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt, quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thời gian đầu, Cương chủ yếu sử dụng phân vô cơ nhưng thấy cây nho phát triển chậm nên dần chuyển qua phân bón hữu cơ để cây phát triển tốt, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngoài trồng trọt, Cương còn nhận chuyển giao kĩ thuật và hỗ trợ đầu ra cho các nhà vườn tại một số tỉnh phía Bắc với diện tích lên tới 7 hecta để duy trì nguồn vốn, chăm sóc vườn nhà.
Cương kể, năm 2022, trong quá trình đi chuyển giao kĩ thuật, do mải mê hỗ trợ vườn khác mà anh không khắc phục kịp thời sâu bệnh cho vườn nhà. Cây bị ngập gốc, quả nhạt, không đạt chất lượng dẫn đến mất mùa. May sao, sang vụ thứ 2, do chăm sóc cây kĩ nên cây vẫn ra quả đạt chất lượng, giúp anh vớt lại được số vốn. Sau thời gian đó, Cương quyết định tập trung, chuyên tâm chăm sóc vườn nhà, không để tình trạng đó tái diễn.
Sau 4 năm khởi nghiệp, Cương sở hữu trong tay vườn nho với diện tích lên đến gần 6000 mét vuông ở xã Hồng Thái, thu hoạch 2 vụ mỗi năm, lợi nhuận thu về vài trăm triệu mỗi năm, đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng vô cơ và nhiều loại hoa màu khác. Sản lượng nho thu hoạch chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tập trung tại Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 10/3/2023 vừa qua, Cương vinh dự khi là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu do Thành Đoàn Hà Nội công bố ở lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế. “Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi mọi sự cố gắng, nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua đã được mọi người ghi nhận. Đây cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần lớn, giúp tôi có thêm động lực, niềm tin vào con đường mình đã chọn”, Cương chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Ấm, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, Cương là một bạn trẻ yêu nông nghiệp xanh. 3 năm trước, Cương về xã xin thuê đất trồng nho Hạ Đen. Thời điểm này chính quyền xã cũng tạo điều kiện cho anh Cương.
“Cương thuê hơn 3 hécta đất trồng nho Hạ Đen. Mô hình trồng nho đến nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng khuyến khích Cương chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nhân dân, nhân rộng mô hình trồng nho Hạ Đen”, ông Ấm nói.
Nói về dự định trong thời gian tới, Cương tiếp tục hướng đến xây dựng sản phẩm chất lượng cao theo mô hình hữu cơ, đảm bảo an toàn về các chỉ số, tiêu chuẩn VietGAP để tung ra thị trường.
Bên cạnh đó, anh mong muốn có thể mở rộng mô hình trồng trọt, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng miền Nam và phát triển du lịch, cắm trại, các hoạt động trải nghiệm ngay trên vườn nho của mình.