Đang làm hiệu trưởng một trường cao đẳng, TS Vũ Văn Thoại bất ngờ xin nghỉ để gắn bó với cây đàn hương, loại cây được thế giới ví là “vàng xanh”.
Từ lời hứa đến niềm đam mê
Nói về hành trình theo đuổi đam mê của mình, TS Vũ Thoại cho biết, bản thân anh rất trăn trở làm thế nào để giúp bà con có được những mô hình nông nghiệp cho giá trị cao, có kế sinh nhai bền vững trên chính mảnh đất của mình.
Trong thời gian đang làm nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, TS Vũ Thoại có dịp được gặp Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, và được ông giao nhiệm vụ mang cây đàn hương – loại cây được cả thế giới gọi là “vàng xanh” từ Ấn Độ về Việt Nam.
“Tôi từng làm hiệu trưởng của một trường cao đẳng nghề công lập, nhưng suốt quãng thời gian ấy tôi nhận ra rằng, nhiều người ở vị trí này có thể làm tốt hơn tôi, nhưng không có nhiều người có đủ đam mê và dám dấn thân nghiên cứu một loại cây mới, mang về Việt Nam để nhân giống, phát triển và chế biến thành các sản phẩm để có thể tạo ra giá trị gia tăng, trở thành hàng hóa tạo sinh kế cho nhiều bà con nông dân.
Để làm tốt con đường mình đã chọn, tôi đã phải đưa ra một quyết định rất khó khăn là rời ghế hiệu trưởng để trở thành … người nông dân chính hiệu, lăn lộn với cây cối và vườn ruộng để phát triển cây đàn hương và các loại cây thực vật quý hiếm tại Việt Nam.
Trước khi quyết định, tôi cũng bàn với gia đình, nhiều người phản đối vì cho rằng để có vị trí như tôi phải phấn đấu rất nhiều. Tuy nhiên tôi lại nghĩ, làm gì cũng được miễn là cống hiến nhiều cho đất nước đó mới là niềm vui. Hơn nữa, đất nước mình là nước nông nghệp nên tôi muốn tạo ra những thứ hàng hoá có giá trị kinh tế cao, bền vững cho nền nông – lâm nghiệp nước nhà ”, Tiến sĩ Thoại chia sẻ.
Tiến sĩ Thoại kể rằng, vào thời điểm anh quyết định nghỉ việc ở trường cao đẳng, có nhiều người nói anh là ‘thằng hâm’, ‘dở hơi’, nhưng anh quyết là làm nên cũng không quá quan tâm ai nghĩ gì và cho đến giờ anh vẫn thấy quyết định gắn bó với nông nghiệp là một quyết định chẳng phải hối tiếc gì.
Chuyện về hành trình đưa cây đàn hương về Việt Nam, tiến sĩ Vũ Thoại cho biết anh bắt đầu bằng việc kết nối với đoàn chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất tại các vùng của Việt Nam xem vùng nào phù hợp.
“Khó khăn nhất của tôi có lẽ là những ngày đầu khởi nghiệp, vì ban đầu cây đàn hương chưa được công nhận, nhiều người nghi ngờ chưa chắc nó phát triển được tại Việt Nam vì trước đó cũng có nhiều người đưa cây về trồng nhưng thất bại. Thế nhưng, với niềm tin cây đàn hương có thể trồng và phát triển tốt ở Việt Nam tôi vẫn quyết định làm bằng được”, TS Thoại cho hay.
Theo TS Thoại, ban đầu việc nhân giống cây cũng là cả một quá trình, vì phải có hạt cây bố mẹ mới nhân giống được trong khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hạt giống thương mại ra bên ngoài.
Thời điểm đó anh Thoại phải nhờ nhiều kênh hợp tác nghiên cứu để đưa hạt cây bố mẹ về Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù của hạt đàn hương từ cây bố mẹ đủ già theo tiêu chuẩn của Ấn Độ thì rất khó nảy nầm, do lượng dầu trong hạt cao.
Chỉ cần trong quá trình vận chuyển mà hạt ở nhiệt độ cao là không nảy mầm. Anh đã thất bại rất nhiều lần trước khi tìm ra được phương pháp nhân giống thành công cây đàn hương Ấn Độ mà không cần dùng đến các chất hoá học để kích thích nảy mầm. Bởi dùng các hoạt chất hoá học kích thích nảy mầm như GA3, theo các chuyên gia Ấn Độ, nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành lõi cây sau này.
Hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm
Thực tế, trên thế giới nhiều người biết đến cây đàn hương, các hãng nước hoa cao cấp đều dùng tinh dầu đàn hương. Ngoài phục vụ cho ngành mỹ phẩm, đàn hương còn phục vụ trong ngàng dược liệu, chăm sóc sắc đẹp và tâm linh.
“Thời điểm tôi về trồng đàn hương thì ở Việt Nam chưa nhiều người biết đến nên khi trồng được cây tôi lại phải tự tay quảng bá để mọi mọi người biết đến. Có những ngày rong ruổi khắp các nước từ Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập, Ấn Độ… để quảng bá các sản phẩm phát triển từ đàn hương của của Việt Nam”, Tiến sĩ Thoại cho hay.
Nhờ đi đúng con đường nên dù Ấn Độ được coi là “thủ phủ” của đàn hương nhưng hiện nay sản phẩm từ đàn hương của TS Thoại cũng có mặt ở siêu thị tại Ấn Độ.
Hiện tại, anh Thoại và những cộng sự của mình phát triển hơn chục sản phẩm từ đàn hương như: Trà búp từ lá, trà nhúng, sản phẩm tâm linh như các loại hương, mỹ nghệ, vòng tay đàn hương, bột đắp mặt chống lão hóa da cho phụ nữ, sản phẩm tinh dầu đàn hương và thời gian tới sẽ phát triển khoảng hơn 20 sản phẩm nữa.
Hiện nay, cả hệ thống vườn ươm và vườn trồng của TS Thoại đã lên tới hàng ngàn héc ta với khoảng 300 cán bộ, nhân viên làm việc.
TS Thoại tiết lộ, doanh thu từ cây đàn hương hàng năm đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Anh cũng đã giúp nhiều người dân Việt Nam trồng tổng cộng trên 6.000 ha cây đàn hương và khoảng 3000 ha tại một số nước khác như Campuchia, Kenya, Uganda… Đây chính là vùng nguyên liệu bền vững để TS Thoại và các cộng sự của mình phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ đàn hương.
TS Thoại cho biết, hiện tại nhu cầu sử dụng đàn hương chỉ mới đáp ứng 24-26% cả thế giới. Đàn hương có giá trị kinh tế cao nên cả thế giới gọi là “vàng xanh”, ngoài ra nó còn giá trị môi trường.
Theo tổ chức Y tế thế giới, so với cây cùng kích cỡ, cây đàn hương cho lượng lõi gấp 5, 6 lần cây khác và cây xanh quanh năm, không rụng lá. Đặc biệt hơn nữa, cây đàn hương chịu hạn rất tốt và cần lượng nước rất ít, nó sẽ là loại cây để chống hạn hán, chống biến đổi khí hậu.
Cây đàn hương phải trồng xen canh cùng các loại cây khác, tạo ra hệ sinh thái rừng bền vững. Ngoài ra, Đàn hương còn có thể trồng xen canh với cây lâm nghiệp, cây ăn quả, trồng cây dược liệu như Khôi nhung, Trà hoa vàng, Đinh lăng… mang lại cho bà con cả những nguồn thu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
TS Thoại kỳ vọng sẽ phát triển cây đàn hương trên quy mô lớn, đưa Việt Nam thành một trong 5 nước trồng đàn hương lớn nhất thế giới và chế biến sâu sản phẩm đàn hương, hi vọng trong 10 năm tới, ngành đàn hương sẽ tạo ra doanh thu nhiều triệu USD cho đất nước.
TS Thoại cũng trăn trở, “cây đàn hương đang phát triển quá nóng tại Việt Nam. Nhiều nhà vườn bán cây giống thương mại không bảo đảm chất lượng, dùng cả hạt đàn hương lấy từ cây non, cây chưa được kiểm tra về quá trình sinh trưởng để làm giống và bán với giá rẻ ra ngoài thị trường.
Việc này vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ kéo theo hệ luỵ là bà con trồng cây chưa chắc đã có lõi hoặc lõi rất kém sau này. Hơn nữa nhân giống tràn lan như vậy cây rất dễ bị bệnh xoăn lá. Nếu cây mắc bệnh này thì chỉ có cách chặt bỏ chứ hiện vẫn chưa thể chữa trị được”.
Cũng theo TS Thoại, “hiện nhiều người bị dẫn dắt theo thông tin là trồng cây đàn hương mỗi năm mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng và giá gỗ đàn hương rất cao, khoảng 500 USD/kg.
Đây là thông tin hoàn toàn không có thực với người trồng đàn hương, vì giá gỗ đàn hương ở mức 500 USD/kg là giá bán lẻ tại các siêu thị, còn giá trên cánh đồng, giá bán buôn sẽ thấp hơn giá tại siêu thị nhiều lần.
Vì thế không thể lấy giá tại siêu thị nhân với số cây để tính ra tiền được, “tôi chỉ mong mỗi héc ta đàn hương, mỗi năm mang lại cho bà con khoảng 500 triệu đồng là bà con trồng rừng đã khá giả lắm rồi. “Vàng xanh” là đây chứ là đâu nữa”.
Chính vì bà con cứ nhầm tưởng về giá trị cây đàn hương nên đã ồ ạt trồng, không cần tham khảo ý kiến chuyên gia về thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật trồng, chăm sóc và kỹ thuật để tạo chất lượng đàn hương tốt nhất, điều này rất dễ dẫn đến thất bại cho người trồng đàn hương” – vị TS cảnh báo.