Để nho cho trái nhiều, cần phải có kỹ thuật riêng. Mỗi đêm đặt một chén nước ngoài vườn nho, sáng sớm nếm thử, nếu nước có vị mặn tức là có sương muối thì có thể phát hiện, xử lý sớm để cứu cây…
Lão nông Nguyễn Văn Dũng ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, cách đây 6 năm ông được người bạn ở Hà Nội cho 4 cây nho thân gỗ có nguồn gốc từ Nam Mỹ để đưa về trồng thử.
“Lúc đầu trồng thử, tôi nuôi cây trong chậu, đợi khi có trái chín, tôi chừa lại ươm thêm cây con làm giống. Do diện tích vườn nhỏ nên tôi trồng xen nho thân gỗ với nhiều cây khác. Giống nho này cho trái quanh năm. Trái mọc chi chít từ gốc tới ngọn”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, từ năm thứ 2 trở đi ông chuyển sang trồng thêm nho thân gỗ ở ngoài vườn xen với trồng trong chậu. Để trồng được nho thân gỗ ngoài đất, khâu bón lót cực kỳ quan trọng.
Trước khi xuống giống, ông phải lót phân hữu cơ gồm phân chuồng, phân rơm ủ hoai mục. Nếu trồng ngoài đất, cứ 3 tháng cần xới đất một lần để đất tơi xốp, rễ cây hút nước tốt hơn.
Nho thân gỗ có thể thích nghi điều kiện đất thịt hoặc đất cát pha. So với trồng trong chậu, nho thân gỗ khi trồng ngoài đất chỉ mất khoảng 2,5 năm đã có thể cho trái vụ đầu tiên, nhanh hơn so với trồng trong chậu.
Trung bình một tháng ông bón phân hữu cơ một lần cho cây. Khoảng 1-3 tháng một lần tỉa bớt cành thừa giúp nho phát triển nhanh hơn.
Chủ vườn nói thêm, trên thị trường hiện nay có 6 loại nho thân gỗ, riêng ông đang canh tác 5 loại gồm nho thân gỗ Nam Mỹ, nho thân gỗ tứ quý, nho đỏ, nho vàng và nho kim cương.
Trong đó nho tứ quý và nho đỏ chiếm số lượng nhiều nhất vì 2 giống này có năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu nắng nóng như miền Tây.
“Nho thân gỗ khi có bông hoặc đậu trái nhỏ mà gặp sương muối thì rất dễ rụng. Vì vậy, hàng đêm, tôi phải đặt chén nước ngoài vườn, sáng mai dậy nếm thử chén nước là biết có sương muối hay không và có cách xử lý sớm. Phương pháp này tôi áp dụng nhiều năm nay và thấy rất hiệu quả, nho đậu sai trĩu quả hơn”, lão nông Nguyễn Văn Dũng nói thêm.
Nho thân gỗ có thể cho trái quanh năm nhưng rộ nhất vào các tháng nắng nóng. Một cây từ 3 năm tuổi có thể cho năng suất từ 10kg/vụ. Từ lúc cây ra hoa đến khi có trái ăn được mất khoảng 20 ngày.
Trái nho thân gỗ lúc chưa chín có màu xanh, khi chín chuyển dần sang đỏ sậm, đen hoặc vàng (tùy loại). Vỏ trái nho thân gỗ khá đặc biệt, bóng và cứng, thịt nho màu trắng đục, có hạt.
Giống nho này có vị ngọt pha lẫn vị chua, ăn rất ngon miệng. Lúc mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nho thân gỗ có giá trị rất cao, lên đến cả triệu đồng/kg.
Về quy trình nhân giống, ông Dũng cho biết, nho thân gỗ có thể ươm, ghép nhưng chủ yếu được ươm từ hạt. Hạt ươm tầm 25 ngày đã lên cây con, sau đó nuôi đủ 6 tháng mới xuất bán được cây giống.
Hiện lão nông Đồng Tháp đã có vườn nho đầu dòng diện tích 2.000m2 với hơn 500 gốc nho thân gỗ từ 2 đến 6 năm tuổi và một vườn nho thân gỗ giống với khoảng 1.000 chậu.
Do số lượng nho đầu dòng còn hạn chế nên ông Dũng chủ yếu cung cấp nho giống, nho bonsai làm kiểng, phân phối từ Bắc vào Nam.
Giá nho giống được ông Dũng bán từ 30.000 đồng/cây con. Nho thân gỗ bonsai có giá từ vài trăm nghìn đồng đến 10 triệu đồng/cây, tùy vào độ tuổi và năng suất cây. Chỉ tính từ việc bán cây giống, bình quân, lão nông này có thể bỏ túi hơn 20 triệu đồng/tháng.