Bí quyết của ông nông dân Thái Nguyên trồng nho hạ đen nhìn đâu cũng thấy quả từng chùm

Sau biến cố tai nạn, sức khoẻ giảm sút, ông Phạm Tiến Toàn (xóm Trà Viên, xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên) đã từ bỏ nghề xây dựng để về nhà trồng nho và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Làm nghề xây dựng, phải bôn ba khắp các công trình trong và ngoài tỉnh trong nhiều năm, tuy nhiên trong một lần chơi bóng chuyền do không cẩn thận, ông Phạm Tiến Toàn (Trưởng xóm Trà Viên, xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên) bị trượt cột sống, thoát vị đĩa đệm phải mổ khiến sức khỏe giảm dần nên ông quyết định bỏ nghề, trở về nhà sinh sống.

Đến năm 2022, sau quá trình được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và Hội nông dân TP.Thái Nguyên cho đi tập huấn kỹ thuật về trồng trọt. Đồng thời, qua nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan mô hình ở một số nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, về nhà ông Toàn đã quyết định trồng thử nghiệm giống nho hạ đen trên diện tích khoảng 500m2.

Đây là mô hình do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP.Thái Nguyên hỗ trợ vốn và kỹ thuật 60%. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, cây nho hạ đen trong vườn nhà ông bắt đầu ra quả và thu hoạch được 200 kg, bán với giá 100 nghìn đồng/kg.

Nhận thấy trồng nho bắt đầu có tín hiệu vui, năm 2023, ông Toàn đầu tư trồng thêm 1.000m2 cây nho mẫu đơn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông đang có khoảng 600 gốc nho các loại.

Ông Toàn chia sẻ, để bắt tay vào mô hình trồng nho này đòi hỏi phải thật sự đam mê mới có thể làm được. Về cơ bản, trồng nho không quá khó và quá vất vả nhưng cần phải nắm chắc kỹ thuật và sát sao tâm huyết với nó.

Bỏ làm xây dựng, ông nông dân Thái Nguyên chuyển sang trồng nho hạ đen, cây nào cũng sai trĩu quả - Ảnh 2.
Ông Toàn cho biết, để trồng nho đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật và thật sự tâm huyết mới có thể làm được. Ảnh: Hà Thanh

Nho thường được trồng vào thời điểm khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm và thu hoạch lứa đầu tiên vào tháng 7, lứa thứ hai vào tháng 9. Cây nho phù hợp nhất khi trồng trên đất pha cát với khoảng cách 1m/1 cây. Là loại cây ưa ánh sáng nên cần bố trí đầy đủ ánh sáng để cây phát triển.

Bỏ làm xây dựng, ông nông dân Thái Nguyên chuyển sang trồng nho hạ đen, cây nào cũng sai trĩu quả - Ảnh 3.
Với 500m2 đất, hiện gia đình ông Toàn có khoảng 150 gốc nho hạ đen. Ảnh: Hà Thanh

“Cây nho phù hợp với thời tiết nắng nóng, vì trời lạnh cây hay bị mắc bệnh sương mai và gỉ sắt. Do đó, việc làm giàn che cùng với hệ thống tưới nước tự động sẽ khắc phục hiệu quả tình trạng này”, ông Toàn nói và chia sẻ kinh nghiệm: “Thông thường, cây nho không mấy khi bị bệnh, chỉ thỉnh thoảng bị bọ trĩ ăn lá non. Song, nguy hiểm nhất là bệnh nấm cuống, để khắc phục tình trạng này, cần sử dụng thuốc. Cách tốt nhất là nên sử dụng thuốc phòng sâu bệnh từ lúc nho bắt đầu ra hoa”.

Ông Toàn cũng cho hay, hai giống nho hạ đen và mẫu đơn về thời điểm trồng thì cơ bản giống nhau, nhưng có nhiều điểm khác biệt nhau. Nho mẫu đơn quả sẽ to, đẹp, ăn ngọt hơn và cũng dễ chăm sóc hơn nho hạ đen nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật phải chính xác, tỉ mỉ và sát sao hơn. Còn thân cây nho hạ đen trông mập mạp hơn và cho sản lượng nhiều hơn nho mẫu đơn. Về gián bán, nho mẫu đơn được bán với giá trên 200 nghìn đồng/kg, nhưng sản lượng lại thấp hơn so với nho hạ đen.

Bỏ làm xây dựng, ông nông dân Thái Nguyên chuyển sang trồng nho hạ đen, cây nào cũng sai trĩu quả - Ảnh 4.
Đầu năm 2023, gia đình ông Toàn trồng thêm 1.000m2 nho mẫu đơn với khoảng 380 gốc. Ảnh: Hà Thanh

“Đối với cây nho, thông thường một năm sẽ cho hai vụ quả. Tuy nhiên nếu muốn nho có tuổi thọ dài hơn nên để cây ra quả một vụ thì quả sẽ đẹp và cây có tuổi thọ kéo dài khoảng 30 năm. Nếu ra hai vụ thì sản lượng sẽ giảm, chất lượng quả vụ thứ hai cũng giảm đi và tuổi thọ của cây chỉ kéo dài khoảng 10 năm”, ông Toàn chia sẻ.

Một điểm được ông Toàn lưu ý là trong quá trình trồng, đến thời kỳ nho ra quả nếu cây sai quả cần lựa chọn và tỉa bớt, nếu không quả sẽ bị nhỏ và kém chất lượng. Bên cạnh đó khi nho bắt đầu có quả cũng cần ngắt búp để cây tiếp tục ra hoa lứa mới, đồng thời sau khi thu hoạch vụ quả đầu tiên trong năm, cần tập trung chăm cây để cây ra lứa quả tiếp theo.

Bỏ làm xây dựng, ông nông dân Thái Nguyên chuyển sang trồng nho hạ đen, cây nào cũng sai trĩu quả - Ảnh 5.
Ông Toàn kiểm tra cây nho mẫu đơn sau một tháng trồng. Ảnh: Hà Thanh

“Ở lứa thứ hai, khi quả bắt đầu chuyển màu vàng thì trong vòng một tháng tuyệt đối không tưới nước, không phun bất kỳ loại thuốc nào để quả tích đường và tránh bị nứt. Thông thường tuỳ theo độ ẩm của cây mà tưới nước cho phù hợp, nếu nắng quá thì cứ 2 ngày tưới 1 lần, còn định kỳ khoảng 1 tuần tưới 1 lần. Còn đối với phân bón thì từ lúc có quả cứ 1 tuần tưới 1 lần theo đúng tỷ lệ”, ông Toàn lưu ý.

Vẫn theo kinh nghiệm của trưởng xóm Trà Viên, sau khi thu hoạch lứa quả cuối cùng của năm, ông sẽ đốn cành để cho cây nho khô héo và tiếp tục ra mầm vào mùa xuân. Hiện, nho được ông Toàn trồng chủ yếu theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng, nghiền đỗ tương ủ với cá để bón. Đồng thời, dùng các loại chế phẩm sinh học để phun cho cây, do đó chất lượng quả ngon ngọt và an toàn.

Dự kiến sản lượng nho thu được trong năm nay của gia đình ông Toàn từ 3 – 4 tạ, với sản lượng đó gia đình ông thu về hơn 160 triệu đồng tiền lãi.

Bỏ làm xây dựng, ông nông dân Thái Nguyên chuyển sang trồng nho hạ đen, cây nào cũng sai trĩu quả - Ảnh 6.
Dự kiến sản lượng nho thu được trong năm nay của gia đình ông Toàn từ 3 – 4 tạ quả. Ảnh: Hà Thanh

Ông Toàn cho biết thêm, hiện nay thị trường đầu ra của nho tương đối ổn định. Do đó việc tiêu thụ nho không quá khó khăn. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô diện tích trồng nho, hướng tới phục vụ thị trường và người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Tin Liên Quan