Trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc” diễn ra vừa qua, đoàn nông dân và cán bộ khuyến nông của 5 địa phương (Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Bắc Giang) đã được đến tham quan vườn bưởi của gia đình ông Trần Văn Én (ở thôn Tân Trường, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).
“Bây giờ ong, bướm hạn chế nên mình phải vất vả thêm vì phải thụ phấn nhân tạo cho cây bưởi thì cây mới đủ phấn để đậu quả đều”.
Ông Trần Văn Én
Hầu hết các cây bưởi trong vườn đều đã 14-15 năm tuổi nên rất sai quả, tỏa hương thơm ngát.
Đến thực địa vườn bưởi, ngay từ ngoài ngõ, nhiều nông dân và khách tham quan đã tấm tắc khen ngợi và bày tỏ sự thán phục vì vườn bưởi quá sai trái. Cây nào cây nấy cành đều nặng trĩu quả và quả nào quả nấy đều tăm tắp, sáng đẹp, nhìn thật thích mắt. Đặc biệt hơn nữa, chủ vườn bưởi này đang canh tác theo hướng hữu cơ.
Năm ngoái, với 600 cây trong vườn, gia đình ông Trần Văn Én thu được hơn 5 vạn quả với tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Nói về bí quyết cho vườn bưởi ra hoa, trái đều, ông Én thổ lộ: “Bây giờ ong, bướm hạn chế nên mình phải vất vả thêm bằng cách thụ phấn nhân tạo cho cây bưởi thì cây mới đủ phấn để đậu quả đều”.
Theo ông Én, cứ vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong, gia đình ông lại tổ chức cắt tỉa cành và bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục từ phân trâu, bò, gà và tưới nước đều đặn để cây phục hồi ổn định, kịp thời thúc ra hoa vào tháng Giêng.
“Phải chăm sóc tốt vào thời điểm đầu năm, còn dịp tháng 5-6 là mùa mưa, người trồng bưởi phải chú ý khơi thông vườn cây, không để rễ cây bị úng nước. Khi bưởi đậu trái rồi thì chăm sóc dễ, chỉ có phòng bệnh và bón đầy đủ phân vi sinh, kali là được” – ông Én nói.
Về phân bón, ông cho biết, trước đây bón phân đạm, phân hóa học thì không hiểu sao lượng sâu hại tăng nhanh, cứ 10 ngày phải phun phòng một lần.
Sau đó, ông chuyển sang dùng phân bón hữu cơ từ phân trâu, bò, gà đã được ủ mục khoảng 1 năm và kết hợp bón phân vi sinh (đậu tương, ngô, cá) ủ khoảng 2 tháng để bón. Thật bất ngờ, cây không chỉ tươi tốt, sai quả mà sâu còn ít hơn.
Về phòng trừ bệnh, ông Én cho biết, cây có múi thường bị nặng về các bệnh loét, vi khuẩn, bệnh sương mai từ tháng Giêng. Về sâu, có các loại rầy, rệt, nhện đỏ và bọ trĩ.
“Nếu như trước đây cứ 10 ngày phải phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lần thì bây giờ làm theo hướng hữu cơ, sâu bệnh ít hơn nên 15-20 ngày tôi mới phun một lần” – ông Én nói.
Ông Én cũng lưu ý, việc phòng sâu bệnh phải duy trì 3 đúng: Đúng đối tượng phòng trừ, đúng thời gian sâu bệnh xuất hiện và đúng cách; nếu không sẽ vừa tốn kém tiền đầu tư, mà hiệu quả không như mong muốn.
Đặc biệt, từ khi vườn bưởi trồng được 1 năm, gia đình ông không dùng thuốc trừ cỏ trong vườn mà chỉ làm cỏ tối thiểu nên hệ sinh thái trong đất rất tốt.