Bắc Ninh: Làm giàu từ trồng cây ăn quả
Nông dân xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành thu hoạch cam canh.
Ông Thanh nhớ lại, trước đây, khu vực bãi bồi bên sông Đuống trong xã Đình Tổ thường trồng những loại cây rau màu ngắn ngày nhưng năng suất không cao. Do vậy, hầu hết các diện tích đất của địa phương thường bị bỏ hoang. Đến năm 2015, UBND xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành có chính sách hỗ trợ cho phép tích tụ ruộng đất nên ông đã nảy ra ý tưởng làm mô hình trồng cam canh. Để hiện thực hóa ý tưởng, ông đã đi các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang để tham quan học hỏi mô hình. đầu năm 2016, ông đã đưa cây cam canh trồng trên diên tích 2ha tại bãi bồi ven sông Đuống. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cam canh mang lại, những năm sau đó, gia đình ông đã mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Thanh, cam canh là giống cây khó trồng, để cây được năng suất, hiệu quả cao cần chọn được cây giống có nguồn gốc, cây khỏe, khi trồng khoảng cách giữa các cây đảm bảo ánh sáng, đặc biệt cần lưu ý về phân bón, chủ yếu là bón phân hữu cơ để cam ra hoa và đậu quả tốt. Cây cam canh hợp với đất phù sa tơi xốp nên cho năng suất cao. Hiện cam canh bán tại vườn với giá 35.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông lãi trên 2 tỷ đồng, từ 7 ha cam canh.
Tận dụng lợi thế vùng đất bãi ven sông nhiều phù sa, tơi, xốp, nhiều hộ dân ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, ở xã Đình Tổ, những ngày giáp Tết phải thuê thêm người thu hoạch cam để kịp giao cho thương lái. Anh Tuệ cho biết, cam canh cho thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán nên rất được giá, trồng cam canh không khó, nhưng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật. Mỗi sào chỉ trồng được khoảng 30-35 gốc cam, sau 3 năm cam sẽ cho thu hoạch đợt quả đầu tiên. Nếu chăm bón tốt, cây cam có thể cho thu quả liên tục từ 10-15 năm mới phải trồng lại.
“Cam canh ở đây vỏ mọng, có vị ngọt thanh nên rất được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được khoảng 40 tấn, với giá bán tại vườn là 35.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh lãi 250 triệu đồng”, anh Tuệ nói.
Tương tự, với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với thả cá, chăn nuôi (VAC) tại bãi bồi ven sông Đuống đã mang lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Quyên, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nguồn thu đáng kể.
Chị Quyên cho biết, với ý tưởng tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, trước hết cho gia đình mình sử dụng, gia đình tôi đã trồng và chăm bón bưởi bằng quy trình sản xuất sạch, chăm sóc bằng chế phẩm sinh học hữu cơ, không làm ảnh hưởng đến người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Thu hoạch bưởi tại Hợp tác xã nông nghiệp Quang Tiến, thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài trồng bưởi, gia đình chị còn kết hợp với thả cá và nuôi lợn trên diện tích khoảng 30 ha. Hiện trung bình mỗi năm gia đình thu khoảng 600 tấn thịt lợn, 60 tấn cá và 2 vạn bưởi, với doanh thu hơn 20 tỷ đồng.
Để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, năm 2017, gia đình chị đã liên kết với một số hộ dân tại xã Đại Đồng Thành thành lập ra Hợp tác xã nông nghiệp Quang Tiến. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh.
“Việc thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế, tận dụng được vùng đất bãi của địa phương, đặc biệt là giải quyết được bài toán “được mùa, mất giá”, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng”, chị Quyên nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Thành cho biết, việc chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ chỗ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn. Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thời gian tới, huyện Thuận Thành khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây ăn quả để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện sẽ xem xét, lựa chọn các loại cây ăn quả để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả Thuận Thành…