Bạc Liêu: Mở hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn
Những năm gần đây người dân tại Bạc Liêu đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây trồng mở hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn.
Ông Phương Văn Sị (ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. BẠC LIÊU) cho biết: Vườn táo của gia đình thường xuyên có khách đến tham quan, mua và thưởng thức táo ngay tại vườn. Không chỉ được ăn những trái táo ngon, sạch, chất lượng mà khách tham quan còn chụp ảnh lưu niệm, được trải nghiệm tự thu hoạch nông sản.
Gia đình ông Sị là một trong những hộ nông dân đầu tiên của xã ven biển của TP. Bạc Liêu mạnh dạn cải tạo 2 khu đất rộng 3,5 ha đất để trồng táo Thái Lan.
Chia sẻ về quá trình trồng táo của gia đình, ông Sị cho biết: Khi cây bắt đầu ra hoa là tiến hành bao lưới toàn bộ khu vườn để tránh côn trùng xâm nhập gây hại. Cách làm này không chỉ giúp trái không bị sâu, vỏ táo bóng đẹp mà còn tạo ra nông sản không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nên giá thành cao hơn táo cùng loại 20 – 30%.
Từ cách làm hiệu quả của gia đình ông Sị, đã có 4 hộ nông dân khác trong xã vận dụng làm theo, mở ra dịch vụ du lịch sinh thái tại vườn của địa phương, điều phát huy được hiệu quả.
Cách TP. Bạc Liêu hơn 30 Km, ông Lữ Tấn Kia, nông dân ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu) cũng tìm được hướng sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với vùng đất quê mình bằng cách trồng dưa lưới trong nhà màn.
Ông Kia cho biết, qua tìm tòi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, gia đình đã mạnh dạn đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng nhà màn trên đất trồng rẫy với diện tích 1,5 ha. Dưa lưới được trồng theo phương pháp thủy canh, bán thủy canh cho ra trái không dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Mỗi dây cho ra một trái nặng từ 1,3kg trở lên, với giá bán 36.000 đồng/kg. Vụ dưa tết Tân Sửu 2021, gia đình ông Kia thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, huyện Hồng Dân đã chỉ đạo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Việc lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Thới, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay ngành nông nghiệp huyện còn những tồn tại như: Việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương. Phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ.
Một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng cây chưa đạt yêu cầu, chưa thực hiện đúng kỹ thuật lập vườn, kỹ thuật canh tác, khai thác cây ăn quả, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng không cao, chưa đồng bộ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.