Lao tâm khổ tứ, kiếm tìm đủ các loại cây về trồng trên miền đất vốn được coi là bỏ đi do khai thác khoáng sản, giờ đây ông đã trở thành người nổi tiếng. “Vua bưởi” là cái tên mà người dân ở đất nghèo Thanh Hối (Tân Lạc, Hòa Bình) dùng để gọi cho ông Nguyễn Văn Minh.
Bưởi đã trở thành cây chủ lực thoát nghèo cho người dân Tân Hương.
Đưa tôi đi quanh khu vườn bưởi lởm chởm đá nhưng trĩu quả ông Nguyễn Văn Minh, xóm Tân Hương kể: Trước đây khu này là bãi khai thác đá quặng. Sau khi khai thác hết thì tôi mua lại. Đất ở đây rất xấu, lượng màu chỉ chừng 20-30cm còn toàn là đá trắng. Loại đất này, nếu không mưa, chỉ nắng 1-2 ngày khô khốc.
Thấy vùng đất này bị bỏ đi, tiếc rẻ, ông Minh đã gom tiền mua lại, với một quyết tâm sẽ băt chúng phải nhả tiền cho mình. Sau khi có đất, ông đưa cây mơ về trồng. Thế nhưng cực thay, khi mơ cho quả cũng là lúc giá xuống rất thấp, thậm chí chẳng ai hỏi mua. Mơ không bán được, gạt nước mắt, ông phải bỏ chúng và đưa cây gấc về trồng. Nhưng cũng giống như “số phận” cây mơ, gấc cũng không bán được.
Đang đăm chiêu tìm kiếm một loại cây trồng khác thì vận may đã đến với ông. Một lần ông đi chơi ở xã Đông Lai, Tân Lạc thấy một số hộ trồng bưởi đỏ và bưởi da xanh. Về nhà ông suy nghĩ suy nghĩ: Trong những năm tới thị trường sẽ hướng tới nhiều sản phẩm sạch. Bưởi là một trong những sản phẩm sạch vì ít dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Không những thế nó là thực phẩm có lợi cho cơ thể. Nghĩ vậy, ông mua 50 cây bưởi đỏ chín muộn và bưởi da xanh về trồng.
Do chưa nắm được kỹ thuật cách chăm sóc, ông tự tìm hiểu qua sách, báo, xem ti vi và tích cực học hỏi các chủ vườn khác. Nhờ vậy, sau ba năm, do áp dụng đúng quy trình, vườn bưởi đỏ và bưởi da xanh sinh trưởng tốt, cho thu hoạch loạt quả đầu tiên, bán được hơn 10 triệu đồng. Kết quả bước đầu là “cú hích” tạo tiền đề để ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống cây này.
Đến nay, vườn nhà ông có hơn 150 cây, trong đó 100 cây đã cho thu quả. Bưởi được bán vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được giá. Năm ngoái, gia đình bán buôn với giá 18-25 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, thu lãi hơn gần 100 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Minh, trồng bưởi Diễn không khó nhưng để có năng suất, chất lượng cao, cần chăm sóc đúng kỹ thuật cả trước và sau khi thu hoạch. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Chú ý khi cây bưởi đang hình thành quả không nên tưới nhiều nước để cây tập trung dinh dưỡng vào quả, vị ngọt sẽ đậm hơn và màu sắc đẹp hơn.
Được biết, thấy hiệu quả kinh tế cao từ bưởi đỏ và bưởi da xanh, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên nhiều bà con trong thôn, trong xã đã tới tham quan, học hỏi mô hình nhà ông Minh, mua cây giống về trồng. Do vậy, ngoài thu nhập từ quả bưởi, mỗi năm từ tiền bán cây giống, ông thu về vài chục triệu đồng. Dần dần, cây bưởi đỏ đã trở thành “cây làm giàu” cho người dân xóm Tân Hương. Nhờ trồng bưởi hiện nay nhiều hộ khác trong thôn đã có thu nhập 50 triệu đồng/năm.