Trên mảnh đất quê hương của quả nhãn, người nông dân Hưng Yên đã lai tạo giống nhãn muộn Miền Thiết. Giống nhãn với quả to tròn có màu vàng sáng, vỏ dày, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt đậm đã chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc…
Đến thăm mảnh đất Hưng Yên, bên cạnh đặc sản nhãn lồng đã nổi tiếng cả trăm năm qua, thực khách còn được giới thiệu một loại nhãn mới, được người dân lai tạo nhằm tăng năng xuất.
Đó là giống nhãn muộn Miền Thiết. Cây nhãn muộn Miền Thiết vốn xuất thân từ cây nhãn Lồng Hưng Yên.
Qua quá trình đột biến chọn lọc tự nhiên tạo ra một dòng nhãn mới đó là cây nhãn muộn miền . Tên nhãn muộn Miền được đặt tên theo tên của ông Miền và bà Thiết là gia đình có cây nhãn lồng đột biến được công nhận là cây đầu dòng của nhãn.
Quả nhãn muộn Miền Thiết được trồng trên mảnh đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Quả nhãn muộn Miền Thiết được đánh giá là loại nhãn ngon nhất khu vực phía bắc hiện nay, trái nhãn muộn Miền căng mọng, cùi rất dày, thơm và ngọt lịm ,trái nhãn chín vào tháng 9 cho tới tận tháng 11 dương lịch.
Thủ phủ trồng nhãn Miền Thiết
Tại “thủ phủ” trồng nhãn lớn nhất miền Bắc, giống nhãn muộn này được nhân rộng tại huyện Khoái Châu. Trên diện tích 1.600ha trồng nhãn của huyện, nhãn Miền Thiết bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng hơn 1.500 tấn quả tươi, tập trung ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình…
Giống nhãn này có đặc điểm quả to tròn, vỏ màu vàng sáng, cùi dày và giòn với vị ngọt đậm, thơm mát; là một trong những giống nhãn ngon cho năng suất cao.
Nhãn muộn Khoái Châu có thời gian thu hoạch khác biệt so với nhãn chính vụ, vào thời điểm từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10; thời gian treo quả trên cây dài nên nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán được giá cao. Đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn là ra hoa khi thời tiết ấm nên tỷ lệ hoa nhiều, đậu quả cao; lại ít chịu chịu ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất ổn định.
Ngay cả vụ năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão cuối tháng 7, các vùng nhãn ở Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên bị rụng quả, thiệt hại 50% năng suất, nhưng nhãn Khoái Châu vẫn sai trĩu quả, lượng quả bị thiệt hại chưa đến 10%.
Do không chín vào thời điểm chính vụ, nhãn muộn Khoái Châu năm nào cũng được mùa mà không rớt giá, với mức cao hơn 30% so với giữa vụ. Hiện nay giá nhãn Miền Thiết được bán với giá 25.000 đồng/kg, nhãn siêu ngọt giá 40.000 đồng/kg.
Đến thăm Khoái Châu vào những ngày này, du khách dễ dàng bắt gặp cảnh các nhà vườn trồng nhãn đang khẩn trương thu hoạch nốt trà nhãn chín sau.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thế – chủ vườn nhãn với 998 gốc tại xã Hàm Tử cho biết: “Xã Hàm Tử hiện có trên 300 ha đất trồng nhãn. Mặc dù là vùng chuyên canh nhãn của huyện, nhưng năm nay tỷ lệ cây đậu quả của xã chỉ đạt khoảng 50 – 55% so với năm trước”.
Nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, sản lượng nhãn của huyện đã tăng lên, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn Hưng Yên, được người tiêu dùng tin tưởng và luôn bán được giá cao hơn giá nhãn đại trà từ 1,2 – 1,3 lần. Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Xuất khẩu nhãn Miền Thiết sang Mỹ
Trong quá trình liên kết, HTX sẽ quản lý được đầu vào, đầu ra của sản phẩm khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn đều có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, do sản phẩm đã được đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này giúp cho người trồng trọt có sự ổn định trong canh tác và thu nhập, sẽ tạo được thương hiệu của trái nhãn Miền Thiết và tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Với kinh nghiệm trồng nhãn có từ lâu đời và nắm rõ yêu cầu sản xuất theo VietGAP cùng với những đặc tính ưu việt nổi trội của giống, nhãn Miền Thiết đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan… đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc. Từ năm 2017, lần đầu tiên giống nhãn này xuất khẩu đi Mỹ
“Thành viên hợp tác xã làm nhãn theo hướng hữu cơ từ nhiều năm qua. Ngay từ đầu vụ nhãn, hợp tác xã đã yêu cầu bà con sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng hóa chất và thuốc diệt cỏ. Chúng tôi sử dụng phân chuồng, ngô đỗ và đậu tương sản xuất nhãn nên là quả nhãn của hợp tác xã chất lượng giá cũng cao hơn so với cách làm truyền thống” – ông Thế chia sẻ.
Hiện nay, khi nhãn đã vào mùa, nhiều chủ vườn cũng phát triển thêm mô hình du lịch vườn nhãn. Theo đó, khách thăm quan tại vườn có thể chụp ảnh, hái quả trực tiếp để thưởng thức. Sau đó, khách sẽ mua nhãn về làm quà cho người thân, gia đình. Đặc biệt hơn, du khách còn có cơ hội thưởng thức những làn điệu dân ca đặc trưng trong văn hoá truyền thống Hưng Yên. Qua đó, người nông dân Hưng Yên có thêm thu nhập từ giống nhãn quê nhà, đồng thời quảng bá, lưu giữ nét đẹp văn hoá quê hương.