Trồng cam bón bằng loại phân ủ từ cá, cho quả cam “mặc áo, ngủ màn” khiến nhiều loại sâu rầy “đứng ngoài khóc thét”, nông dân Bùi Văn Tú (dân tộc Mường), ở xóm Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình “bỏ túi” nửa tỷ/năm.
Trong câu chuyện xây dựng nông thôn mới với ông Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi biết đến điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi Bùi Văn Tú, xóm Vành, xã Yên Phú.
Cho cam “ăn” cá ủ
Trang trại trồng cam của ông Tú ở tít trên sườn núi. Lúc chúng tôi lên thăm vườn, ông Tú đang dùng cá ủ để bón cho hàng trăm cây cam cho quả sai trĩu trịt. Nhìn thấy chúng tôi ngược dốc, ông Tú vội xuống đón và tiếp chuyện.
Ông Tú năm nay 60 tuổi, có dáng người cao ráo, nước da rám nắng. Ngày ngày, ông Tú vẫn ngược núi để trông coi và chăm sóc vườn cam của gia đình.
Ông kể: Trước kia, khi còn khỏe mạnh, tôi đi khắp các tỉnh Tây Bắc để kiếm tiền. Tôi từng làm “vàng tặc” ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; làm “lâm tặc” ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Hết thời trai trẻ, tích lũy được ít vốn liếng, tôi trở về xứ Mường cùng gia đình phát triển kinh tế.
Có vốn trong tay, ông Tú cùng gia đình chuyển đổi 5,5 ha đất trồng keo sang trồng cây ăn quả. Những năm đầu, ông thuê máy xúc diện tích đất đồi thành ruộng bậc thang và cải tạo đất . Năm 2017, ông trồng 1 ha cam lòng vàng và 1 ha cam canh.
Để diện tích cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, ông Tú áp dụng chăm sóc theo hướng VietGAP. Chia sẻ bí quyết chăm cam với chúng tôi, ông Tú bảo: Tôi quan niệm làm ăn phải giữ được uy tín và cung cấp sản phẩm chất lượng cho du khách. Có như vậy mới bền vững được. Qua học hỏi trên sách, báo, mạng internet, tôi áp dụng cách “mặc áo” cho cam, việc làm này vừa phòng trừ được sâu bệnh, vừa nâng cao chất lượng cho trái cam.
Ông Tú cho biết: Vụ năm 2021, do chưa có kinh nghiệm nên mỗi khi vườn cam bắt đầu vào nước, nhiều loại sâu kéo nhau đến phá. Khi cam vào độ chín thì bị rụng gần hết, trên cây chỉ còn lác đác vài quả. Mất công chăm cả năm đến lúc thu hoạch lại không được gì. Nhiều lúc chán lắm muốn bỏ, nhưng nghĩ lại những gì đã bỏ ra, tôi quyết tìm ra bí quyết để khắc phục.
Sau vụ đó, ông Tú tìm đến những địa phương có thế mạnh về cây cam tìm hiểu và tìm biện pháp để ngăn chặn tình trạng côn trùng phá quả cam.
Theo ông Tú, nếu như phun thuốc, cũng không trừ được tận gốc mà lại gây ô nhiễm vườn. Cuối cùng ông đã tìm được biện pháp là “mặc áo” cho quả cam. Sau 2 năm làm thử nghiệm, cách này mặc dù có tốn thêm công, thêm của, song hàng vạn trái cam được an toàn.
Cam ngọt, mã đẹp, nhìn là mê
Từng hàng cam được ông Tú che chắn cẩn thận. Toàn bộ cây cam được bao phủ màn trong suốt 4 tháng. Cây cam nào sống trong màn cũng phát triển tốt và không bị rụng mất quả nào. Đám sâu bọ phá hoại cũng không chui vào trong được.
Từ ngày “mặc áo” cho trái cam đến nay, vườn cam rộng 2 ha của ông Tú cho thu hoạch đều đặn. Đặc biệt, trái cam được “mặc áo” không phải phun thuốc, lại cho mẫu mã đẹp, chất lượng ngon nên cứ đến vụ là không đủ để bán cho khách hàng.
Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, ông Tú thu được khoảng 60 tấn quả/2ha. Với giá 30 – 40 nghìn đồng/kg cam canh; 15 – 20 nghìn đồng/kg, vụ năm 2022, ông thu hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Tú bỏ túi hơn 500 triệu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú nhận xét: Mặc dù tuổi đã cao, nhưng trong nhiều năm liền trở lại đây, gia đình ông Tú luôn là hộ điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, huyện và tỉnh. Không những vậy, ông Tú còn hiến hàng trăm m2 đất xây dựng nông thôn mới.
Để ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và sự đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, những năm qua, ông Tú đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.