Nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Nai dù không bán măng cụt sống bóp gỏi gà nhưng vẫn thu tiền mỏi tay nhờ bán măng cụt chín đúng vụ.
Măng cụt chín được giá
Nhiều ngày trở lại đây, món gỏi gà măng cụt sống (măng cụt xanh) dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn chưa hết độ phủ sóng ở nhiều tỉnh phía Nam, khắp các “cõi mạng”, mọi người vẫn đua nhau mua măng cụt xanh về bóp gỏi gà.
Nhờ vậy, giá măng cụt xanh vẫn ở mức cao, dao động từ trên 60.000 đồng – 75.000 đồng/kg, một số nơi bán theo túi, mỗi túi 3kg giá sẽ rẻ hơn được khoảng từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg. Thực tế, giá măng cụt xanh cao hơn giá măng cụt chín nhưng nhiều nhà vườn tại Đồng Nai vẫn quyết định không chạy đua theo xu hướng mà để măng cụt chín mới bán cho thương lái.
Theo các nhà vườn, năm nay, lượng măng cụt xanh bán sớm khá nhiều nên hiện tại khi đã vào vụ măng cụt chín, nhiều nhà vườn trúng lớn. Trong đó, khoảng 1 tuần trước khi măng cụt vào vụ chín đợt đầu, giá bán cho thương lái dao động từ 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg.
Hiện thời điểm này, măng cụt đã rộ giữa vụ giá bán loại 1, loại 2, loại 3 dao động từ 45.000 đồng – 55.000 đồng/kg. Như vậy so với năm trước, giá măng cụt chín năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước (25.000 đồng – 35.000 đồng/kg).
Anh Huỳnh Minh Thuận ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, người có hơn 5ha măng cụt, cho biết gần đây, vẫn có rất nhiều người tìm tới hỏi mua măng cụt xanh với giá cao. Dù vậy, anh Thuận và gia đình đều nói không với việc hái măng cụt xanh mang bán bởi như vậy rất hại cây, suy cây.
“Kể cả măng cụt chín vườn tôi cũng không cho thương lái vào vườn hái mà cả nhà cùng nhau tự hái rồi mới kêu thương lái vào cân. Bởi nếu để người khác hái, có thể cành măng cụt bị gãy, các đọt tược sẽ không vươn mình để cho trái vào vụ tới, dẫn đến giảm năng suất. Vì vậy nhà tôi thà chịu khó hái nhưng để đảm bảo an toàn cho cây, giữ năng suất”, anh Thuận cho hay.
Khi hỏi về việc bán măng cụt xanh, anh Thuận lý giải rằng vị trí gần trái măng cụt khi chín măng rụng sẽ dễ gãy nhánh, nơi sẽ ra tược mới để cho trái năm sau. Như vậy, vụ sau sẽ bị mất mùa và mãi tới vụ sau nữa mới có thể năng suất trở lại.
“Bán xanh lợi trước mắt nhưng hại mất 1 vụ nên thà chúng tôi bán chín lấy năng suất bù lại. Do đó, vườn nhà tôi nói không với việc bán xanh ‘gặt lúa non”, anh Thuận nói thêm.
Được biết, vườn của anh Thuận đang sắp vào vụ chín rộ. Hiện mỗi ngày anh cũng thu hái được từ 80-100kg và thời điểm này giá nhập cho lái loại 1 ở mức 55.000 đồng/kg. Anh Thuận cho biết khi vườn chín rộ, mỗi ngày anh thu hái được từ 250-300 kg măng cụt.
Với giá bán này, mỗi ngày, anh Thuận đang thu về hàng chục triệu đồng tiền bán măng cụt.
“Măng cụt trong vườn nhà tôi đều trồng được từ 13-20 năm, để đảm bảo cây phát triển tốt và năng suất cao thì gia đình chúng tôi phải chăm vườn rất kỹ. Khi hái xong măng cụt, chúng tôi sẽ bỏ phân chuồng, rồi trung bình 3-6 tháng sẽ bón kali để kích thích dưỡng lá và trái”, anh Thuận cho hay.
Tương tự, bà Hoàng Thị Mến, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành cũng cho biết gia đình bà năm nay cơ bản trúng măng cụt. Mức giá này sau khi trừ phân bón, thuốc, nhân lực, nhà vườn đã có lãi để tiếp tục đầu tư, chăm sóc cây măng cụt vào mùa sau.
“Thị trường đang có nhu cầu mua măng cụt xanh nhưng chúng tôi không chọn bán vì sợ suy cây, tuy nhiên họ bán cũng không sao. Chỉ mong giá măng cụt và nhiều loại trái cây tươi luôn ở mức cao để nông dân chúng tôi đỡ vất vả”, bà Mến nói.
Cũng theo bà Mến, năm nào cũng vậy, măng cụt giá thường đầu vụ rất cao và sau đó cũng giảm nhanh theo từng ngày. Vì vậy, hiện nay, các nhà vườn tranh thủ bán sớm để giữ được giá cao.
Về vấn đề này, ông Quản Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết: “Thời điểm này măng cụt đang cho thu hoạch đầu mùa nhưng trên thị trường việc làm gỏi măng cụt xanh vẫn rộ. Do đó, Hội Nông dân cũng khuyến cáo người dân không nên bán măng cụt sống, đợi trái chín thu hoạch bán để đảm bảo năng suất vụ sau được tốt hơn”.