Bất thành với cây cao su từng mang về tiền tỷ cho nông dân, ông Nguyễn Văn Sốp (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) chuyển sang trồng tre lấy măng xóa nghèo, bất ngờ thu lời gần 200 triệu đồng mỗi năm ngon ơ.
Theo ông Sốp, ông từng trồng mì, mía, cao su-những thứ cây từng mang lại tiền tỷ cho nhiều nông dân, nhưng dù nhọc công chăm sóc, tốn kém tiền của gia đình ông vốn nghèo vẫn hoàn nghèo, buộc ông quay sang trồng tre lấy măng.
Trồng tre lấy măng như “nuôi heo ăn cơm nằm”
Quay quắt tìm cách thoát nghèo, cuối cùng ông Sốp cũng tìm ra một loại cây trồng cứu cánh – trồng tre lấy măng.
“Tôi nghiên cứu khá kỹ việc trồng tre lấy măng. Cây tre dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Đặc biệt, thị trường ổn định, giá măng tre tương đối tốt”, ông Sốp thổ lộ.
Chưa hết, ông Sốp còn cho rằng, trồng cao su mất tới 5 năm mới có ăn, còn trồng tre chỉ mất 6 – 7 tháng là có măng để bẻ bán thu tiền vốn đầu tư.
Hiện, ông Sốp trồng tre lấy măng với gần 300 gốc trên mảnh vườn 1ha đất. Nhìn vườn tre tơ tươi tốt với những búp măng mập ú nhú lỗ chỗ trên mặt đất, mà phát ham.
Ông Sốp luôn khẳng định, trong tre lấy măng không khó, nhưng phải làm đúng quy trình thì mới có hy vọng cho măng đẹp, to, bán có giá.
Theo ông Sốp, trước khi găm nhánh tre để trồng, ông đào hố sâu 60cm rồi bón lót phân chuồng. Mỗi hố trồng tre lấy măng cách nhau 3m. Mỗi hàng tre cách nhau 7m.
Sau khi trồng xong vườn tre, ông Sốp lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khắp vườn. Đây là yếu tố sau này khiến ông sốp trồng tre lấy măng như “nuôi heo ăn cơm nằm”.
“Cứ vậy, sau 6 – 7 tháng trồng, cây tre sẽ bắt đầu cho măng để thu hoạch”, ông Sốp cho biết.
Nói thì dễ, nhưng theo ông Sốp, trong quá trình trồng tre lấy măng, nông dân phải làm đúng quy tắc bón phân, tưới nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của tre.
Vào mùa nắng, nông dân phải đảm bảo tưới đủ nước cho tre, để cho măng đều, to, đẹp. Mùa mưa, là thời điểm nông dân trồng tre lấy măng bỏ công cắt tỉa cành, nhánh cho tre, để tạo sự thông thoáng cho vườn.
Bên cạnh đó, phải bón phân theo định kỳ để tăng cường dinh dưỡng giúp tre măng to, đẹp, đạt trọng lượng.
“Lúc mới trồng, chăm sóc tre chỉ là tưới nước và làm cỏ. Khi tre cho măng cỏ không còn nữa nên chỉ tưới tre. Mà tưới tre giờ cũng do hệ thống tưới tự động làm làm, tôi chỉ việc ra bật công tắc điện”, ông Sốp thổ lộ.
Ông Sốp chia sẻ tiếp, sau khi thấy chồi măng nhú lên khỏi gốc tre, phải lấy rơm ủ lại để cây măng không bị côn trùng phá hoại.
Sau khoảng 2 tháng khi thu hoạch vụ măng đầu tiên, ông Sốp dùng phân chuồng bón gốc tre.10 ngày sau nữa ông rải diêm. Thời gian này, cứ cách ngày ông Sốp tưới vườn tre một lần.
Cũng theo ông Sốp, trồng tre lấy măng ít sâu bệnh. Chủ yếu cây tre bị thối thân, sâu cuốn lá.
Khấm khá nhờ trồng tre lấy măng
Ông Sốp chia sẻ, sau 5 – 7 ngày khi măng mọc ông thu hoạch măng. Cứ cách ngày ông thu hoạch một lần. Trong năm, giá măng 10.000 – 30.000 đồng/kg. Thương lái vào tận vườn để thu mua măng cho bà con nông dân.
Ông Sốp bộc bạch, mỗi tháng, trừ hết chi phí, ông có lợi nhuận từ trồng tre lấy măng 15 – 20 triệu đồng.
“Trung bình, mỗi năm vườn trồng tre lấy măng cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Lợi nhuận đều như vậy mỗi năm, yên tâm hơn rất nhiều so với ngày tôi còn trồng cao su với giá cả thấp, trồi sụt”, ông Sốp thổ lộ.
Theo Hội Nông dân xã Cầu Khởi, mô hình trồng tre lấy măng của ông Sốp là một trong những mô hình thành công, đem lại lợi nhuận tốt cho nông dân.
Mô hình trồng tre lấy măng của ông Sốp ngay ban đầu đã được Hội Nông dân xã Cầu Khởi hỗ trợ vốn. Mô hình trồng tre lấy măng đang được Hội Nông dân xã nhân rộng trên địa bàn. Hiện, có hơn 30 hộ trồng tre lấy măng ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn và kỹ thuật để bà con nông dân trồng tre lấy măng.