Loại dâu tây này được trồng ở Đà Lạt nhưng giá bán vô cùng đắt đỏ, khách hàng vẫn đua nhau mua. Chủ vườn liên tục báo cháy hàng.
Dâu tây Bạch Tuyết, xuất xứ từ Nhật Bản được đánh giá là loại dâu thơm ngon, hiếm và đắt nhất thế giới. Có thời điểm, loại quả này được nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam, có cửa hàng bán với giá lên đến 2,2 triệu đồng, dân Việt vẫn nhiều người tìm mua về thưởng thức.
Nhận thấy nhu cầu thị trường tiềm năng, anh Đỗ Minh Thịnh (trú tại phường 4, Đà Lạt) đã trồng thử nghiệm trong nông trại nhà mình khi có người bạn tặng cho 40 cây giống.
“Dâu tây Bạch Tuyết được đánh giá là hiếm, đắt và khó trồng nhất thế giới. Nếu đủ nắng, quả sẽ có vị ngọt đậm đà, mùi thơm như dứa… nên tôi quyết định thử trồng ngoài trời”, anh chia sẻ.
Dâu tây Bạch Tuyết được trồng ở Đà Lạt đang bán giá dao động từ 500.000 – 1 triệu đồng/kg vẫn cháy hàng.
Với vẻ bề ngoài màu trắng, căng mọng, vị ngọt, thơm… loại dâu tây này được khá nhiều người ưa chuộng. Hiện, một số nhà vườn tại Đà Lạt đã mang giống về trồng thử nghiệm trong nhà kính và thành công.
Còn anh, anh thử nghiệm trồng ngoài trời đã thành công nhưng gặp rất nhiều khó khăn, số lượng quả thu được không nhiều.
“3 tháng nay tôi thu được khoảng 300kg trên diện tích trồng là 1.500m2, vẫn còn ở vườn đợi chín thì thu hoạch tiếp. Số lượng này chưa bao giờ đủ để trả khách nhưng thật sự loại dâu tây này khó trồng lắm”, anh nói.
Giá bán hiện tại anh đang rao từ 500.000 – 1 triệu đồng/kg, tuỳ thuộc vào size quả. Khách hàng nghĩ là giá cao nhưng anh cho biết anh lãi không được bao nhiêu.
Bởi dâu tây Bạch Tuyết rất khó trồng mà lại trồng ngoài trời, độ khó tăng lên gấp nhiều lần. Anh phải kiểm tra lượng nước thường xuyên, diệt sâu bọ và côn trùng đốt cây. Đặc biệt khi trời mưa, anh phải ra vườn thăm nom để kiếm soát lượng nước có trong vườn.
Thời gian đầu mới làm, có ngày anh dành 10 – 12 tiếng để chăm sóc, về sau vào quy trình, có kinh nghiệm, anh chỉ cần chăm khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Còn hiện tại, anh đã thuê người chăm sóc.
Dâu tây giá cao vẫn rất nhiều người ưa chuộng vì ngon, ngọt.
Theo anh, người trồng cần phải tỉ mỉ và chăm chỉ, có chút kiến thức về nông nghiệp, để trái to, đẹp, đều thì cần phải nuôi dưỡng thân cây trước. “Lứa bông đầu đôi khi tôi phải cắt bỏ nếu thấy cây đang yếu. Trong quá trình thu trái chín, người trồng sẽ không được nhân cây con. Và quan trọng là những lá già, lá hư, trái hư, tôi luôn phải loại bỏ sớm để cây không tốn dinh dưỡng”, anh Thịnh cho hay.
Một cây thường sẽ cho thu hoạch trong 1 năm là tàn. Quả dâu tây Bạch Tuyết cũng rất khó bảo quản, đây cũng là điểm khiến giá bán tăng cao. Đó là khi thu hoạch, quả chẳng may bị dập nhẹ là không thể bán ra thị trường được vì ngày hôm sau chúng sẽ hỏng.
Anh Thịnh cho biết ở Đà Lạt giờ xuất hiện một giống dâu tây Bạch Tuyết dễ trồng và cho ra năng suất cao hơn. Tuy nhiên, loại quả này ăn không ngon như giống thông thường và giá bán cũng rẻ hơn.
Giống năng suất sẽ có màu thiên về cánh sen hơn, quả ăn mềm mềm và nhạt hơn nhiều so với giống gốc”, anh nói.
Trên thị trường, người tiêu dùng sẽ thấy dâu tây Bạch Tuyết được bán khá nhiều. Người bán thường đóng thành hộp 250gram và bán với giá dao động từ 120.000 – 220.000 đồng/hộp, tuỳ thuộc vào từng kích thước.