Sau nhiều lần thử nghiệm, hotboy 9X Nguyễn Văn Sơn đã trồng thành công dâu tây trên mảnh đất xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vườn dâu tây chín đều, căng mọng như mang Đà Lạt về xứ Nghệ khiến nhiều người thích thú, nhiều dân mạng “phát sốt”
Dâu tây bén rễ trên đất phù sa sông Lam
Những ngày qua, hình ảnh về vườn dâu tây đẹp như mơ của hợp tác xã Phú Thịnh ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người thích thú. Du khách tới đây được trải nghiệm hái những quả dâu tây chín mọng, căng tròn, đồng thời ghi lại khoảnh khắc đẹp như ở Đà Lạt.
Chủ nhân của vườn dâu tây nói trên là anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1991, trú tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Hiện tại vườn dâu tây có tổng diện tích khoảng 2.000 m2 và đang bước vào vụ thu hoạch chính. Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Sơn cũng đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm.AdvertisementsX
Tốt nghiệp trường cử nhân sinh học, thạc sĩ khoa học cây trồng, ra trường anh Sơn từng làm việc tại một tập đoàn lớn. Tuy nhiên, chàng trai trẻ luôn khát khao làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình nơi có đất phù sa sông Lam màu mỡ.
Từ một lần đi thực nghiệm tại Israel, anh Sơn được tham quan mô hình trồng dâu tây tại đây, nơi có khí hậu khá tương đồng với Nghệ An. Anh Sơn cũng rất phân vân khi tại sao một loại cây vốn chỉ phù hợp với nơi có khí hậu lạnh, ẩm lại có thể trồng ở vùng đất nắng nóng. Vì thế, anh Sơn đã tìm hiểu thêm, qua đó biết được có một số giống dâu tây có thể chịu nhiệt.
Từ năm 2019, anh Sơn bắt đầu trồng thử nghiệm dâu tây trên mảnh đất xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. “Mới đầu cây dâu tây cũng thường xuyên bị các loại sâu, bệnh như phấn trắng, thán thư gây vết đốm trên quả, gãy cành, thối lá. Bên cạnh đó còn bị các loài côn trùng gây hại như nhện đỏ, bỏ trĩ nên khó phát triển. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi cũng đã khắc phục được, cây dâu tây đã phát triển tốt, cho thu hoạch đều”, anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Mang Đà Lạt về Nghệ An, hotboy 9X gây sốt cộng đồng mạng
Ngoài trồng dâu tây, anh Sơn còn kết hợp trồng thêm các loại rau, dưa lưới. Đồng thời, chàng trai trẻ cũng đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Phú Thịnh. Dâu tây được anh Sơn trồng từ tháng 9, đến khoảng gần Tết Nguyên đán bắt đầu chín bói. Ra Tết, quả dâu tây bắt đầu chín đều.
Cách thu hoạch của hợp tác xã Phú Thịnh cũng rất đặc biệt. Anh Sơn bán vé cho du khách tới vườn tham quan, tự tay thu hoạch những quả dâu tây chín mọng ngay tại vườn với giá 30.000 đồng/1người. Sau đó, du khách mua lại số dâu tây mà mình đã thu hoạch với giá 300.000 đồng/1kg ngay tại vườn. Đồng thời, anh Sơn cũng thiết kế thêm những tấm biển, cắm thêm chong chóng, trang trí cho vườn dâu tây phục vụ nhu cầu check-in của du khách nên nhiều người thích thú.
“Mình hướng dẫn cho du khách những quả nào đã chín và có thể hái, để họ có thể tự tay thu hoạch. Bên cạnh đó, mình có thể dự tính được số lượng quả sẽ chín vào ngày hôm sau từ đó hạn chế số lượng khách sẽ đến vườn. Du khách đến đây đều rất thích vì tự tay mình hái và thưởng thức, chụp hình ngay tại vườn”, anh Sơn chia sẻ thêm.
Quy trình chăm sóc, chăm bón cho cây dâu tây của hợp tác xã Phú Thịnh chủ yếu bằng phân hữu cơ, với hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo an toàn. Hiện tại mỗi ngày, vườn dâu tây cho thu hoạch từ 9- 10kg. Những ngày thời tiết thuận lợi, vườn dâu tây của hợp tác xã Phú Thịnh đón 40 – 50 du khách tới thăm quan.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (trú tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Tôi thấy bạn bè chia sẻ hình ảnh về vườn dâu tây ngay tại Nghệ An mình nên rất ấn tượng. Cuối tuần, tôi đưa các con lên tham quan, để các cháu được trải nghiệm, tự tay hái những quả dâu tây. Các con tôi cũng rất thích, đây cũng là một trải nghiệm ý nghĩa”.
Vừa qua, đoàn công tác Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An cũng đã tham quan, kiểm tra mô hình trồng rau, dâu tây, dưa lưới tại hợp tác xã Phú Thịnh. Đoàn công tác cũng đánh giá cao sự năng động, mạnh dạn đầu tư và tâm huyết của hợp tác xã trong việc triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hiện đại, góp phần cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng.
Hiện tại hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Phú Thịnh đang trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn Vietgap. Các sản phẩm của hợp tác xã rất được thị trường đón nhận. Mỗi năm, hợp tác xã có lãi từ 150 – 200 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Sơn cũng dự kiến sẽ mở rộng mô hình sản xuất của mình, đồng thời kết hợp làm du lịch, tăng hiệu quả kinh tế.