Hai giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội có thể phục vụ nhu cầu ăn tươi và chế biến thành rượu vang thơm ngon vừa được hoàn thành thủ tục để chính thức phát triển sản xuất tại Ninh Thuận.
Sáng 6/1, thông tin từ Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) cho biết đã hoàn thành thủ tục tự công bố lưu hành theo hướng dẫn tại Nghị định 94/2019-NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ và chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận đối với 2 giống nho NH01-152 và NH02-97.
Cụ thể, giống nho NH01-152 đã được trồng thử tại Ninh Thuận từ năm 2019 và được người dân biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như nho ba màu, nho hồng nhật…giống nho này có ưu điểm vượt trội như quả to, giòn, vỏ dày, thịt chắc, vị thơm và độ ngọt vừa phải nên rất phù hợp khi ăn tươi. Khi chín nho NH01-152 có trọng lượng chùm dao động từ 500 đến 800 gram.
Ngoài ra, giống nho này có tỷ lệ đậu quả cao, khả năng kháng sâu bệnh khá tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu tại Ninh Thuận với năng suất bình quân 12- 16 tấn/ha/vụ; còn trong điều kiện thâm canh năng suất có thể đạt 18 – 20 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm.
Riêng giống nho NH02-97 là giống nho chế biến rượu với đặc điểm như quả nho khi chín có màu tím đen, chùm quả nặng trung bình từ 190 – 220 g/chùm, khối lượng quả trung bình từ 1,5 – 1,9 g/quả, vỏ quả dày, độ Brix từ 17 đến 20% (tùy mùa vụ và điều kiện canh tác); có mùi vị thơm ngon, màu sắc đẹp nên rất thích hợp để chế biến rượu vang đỏ.
Ưu điểm của giống nho NH02-97 là dễ thích nghi và có thể phát triển khỏe, có khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh lại và điều kiện thời tiết bất thường. Qua đánh giá cho thấy giống nho NH02-97 có thể cho năng suất trung bình đạt 12 -15 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 – 22 tấn/ha/vụ.
Hiện, tỉnh Ninh Thuận được biết đến là địa phương có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước với trên 1.100ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP. Phan Rang – Tháp Chàm.
Việc 2 giống nho NH01-152 và NH02-97 chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận cũng sẽ góp phần đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm cây trồng đặc thù, đặc biệt là cây nho của tỉnh này.