Những quả bưởi từ 3 đến 7 kg được người dân xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, bán 0,3-1,5 triệu đồng/quả để trưng bày dịp Tết Nguyên đán.
Đầu tháng 12, những vườn bưởi ở xã Lâm Động đông khách đến đặt hàng. Ông Đàm Văn Nhi, 73 tuổi, chủ vườn bưởi lớn nhất xã, cho biết bưởi là đặc sản địa phương vì thơm ngon, mã đẹp và kích thước lớn gấp 4-6 lần bưởi thông thường. Vườn nhà ông rộng 3.000 m2 với 60 cây bưởi, trong đó 10 cây hơn 20 tuổi.
Bưởi Lâm Động có hai loại. Loại đang được trồng nhiều cho quả đặc biệt lớn, màu vàng, ruột trắng, múi to, vị chua mát. Loại thứ hai gọi là bưởi đào, màu hồng, nhỏ hơn bưởi vàng, nhiều nước và vị ngọt. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây, người dân chủ yếu dùng phân hữu cơ chăm bón.
Cây bưởi Lâm Động ra hoa vào tháng 2 âm lịch. Khi cây bắt đầu cho quả, người dân dừng phun thuốc trừ sâu. Đến khoảng tháng 5 âm lịch, họ sẽ dùng túi nylon, túi vải bọc kín quả để ngăn ruồi, sâu đục, rệp, bọ xít phá hoại.
Bưởi cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, cây hơn 10 tuổi có thể cho 100 quả. Tuy nhiên, người dân thường chỉ để mỗi cây 30-50 quả. “Tùy vào thể trạng, tuổi đời của cây để khống chế số quả. Có như vậy, quả mới to, chu vi hơn 60 cm, nặng 3-7 kg. Sau khi hái 3-4 tháng, quả vẫn ngon, ngọt”, ông Nhi chia sẻ.
Người dân địa phương tin rằng, ngoài đặc tính ưu việt do giống cây để lại thì chất đất giàu phù sa ven sông Cấm cũng là nguyên nhân giúp bưởi Lâm Động cho quả to ngon. Nhiều người đã về đây mua cây giống, thậm chí đánh cả cây 10 năm tuổi về trồng, nhưng cũng không cho quả to như trồng ở Lâm Động.
Hiện nay, giá bưởi Lâm Động bán vào dịp Tết từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/quả. Tất cả quả to trên 4 kg đều có khách quen gọi điện đặt trước. Những quả nhỏ hơn sẽ được thương lái vào tận vườn đặt mua.
Được dẫn vào vườn bưởi nhà ông Nhi, chị Mai Anh, ở quận Ngô Quyền, kể: “Năm ngoái tôi được tặng một quả. Sau khi rửa sạch bằng rượu trắng, quả bưởi sáng bóng, thơm ngào ngạt. Năm nay, tôi phải nhờ người quen làm trong UBND xã dẫn vào mới đặt được 5 quả”.
Ông Cao Văn Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Lâm Động, cho biết với những đặc tính riêng biệt, cây bưởi Lâm Động đã được chỉ dẫn địa lý chứng nhận nhãn hiệu và là nguồn gen bản địa quý hiếm cần được bảo tồn. Hiện cả xã có khoảng 2.000 cây bưởi trong thời kỳ cho quả ổn định.
UBND huyện Thủy Nguyên cũng xác định, cây bưởi Lâm Động có giá trị kinh tế cao, đã xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích trồng bưởi đang gặp khó khăn vì thiếu đất canh tác.
“UBND huyện Thủy Nguyên đã có kế hoạch đưa loại quả đặc sản này thành sản phẩm OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) trong năm 2023, qua đó có cơ chế đặc thù để hỗ trợ người dân mở rộng vườn trồng, chăm sóc khoa học, tiếp cận thị trường”, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch huyện Thủy Nguyên, cho biết.