Nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực ngoại thành, từ 2011 – 2021, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích…
Ông Bùi Văn Cường (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) là một trong những nông dân được hưởng thụ chính sách hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP.HCM. Hiện, vườn lan mokara của ông Cường có diện tích 25.000m2 với 120.000 gốc lan mokara cắt cành.
Chính sách vào cuộc sống
Năm 2017, hay tin huyện Củ Chi hỗ trợ cho vay vốn với mức hỗ trợ lãi suất để đầu tư phát triển cây lan mokara theo Nghị quyết số 10/2017 của HĐND thành phố, ông Bùi Văn Cường đã mạnh dạn vay vốn trồng lan mokara và được hỗ trợ lãi vay, với tổng số vốn đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng.
Trong đó, có 4,9 tỷ đồng được hỗ trợ lãi vay để sửa chữa nhà lưới, thay giống cho 20.000 cây hoa lan mokara già năng suất thấp, trồng thêm 40.000 cây hoa lan mokara mới.
Thời gian hỗ trợ lãi vay cho việc trồng lan của ông Cường là 5 năm, từ 2017 – 2022. Phần vốn đầu tư sửa chữa nhà lưới của ông Cường được hỗ trợ 100%; phần vốn đầu tư giống (thay cho giống già) của ông Cường được hỗ trợ 80% lãi suất.
Hiện nay, với 120.000 gốc lan trong vườn, sản lượng bình quân hàng tháng của vườn ông Cường là 70.000 cành. Sau khi trừ chi phí, ông Cường lãi 150 triệu đồng/tháng. Sản phẩm hoa lan của ông chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM và Hà Nội.
Ông Cường cho biết, sẽ tiếp tục trồng thêm và cải tạo vườn lan với nhiều loại lan mà thị trường ưa chuộng, thông qua những kỹ thuật mới và áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cũng tại Củ Chi, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền – chủ vườn lan Huyền Thoại đã mạnh dạn vay vốn theo chương trình ưu đãi lãi suất của thành phố (Quyết định 655) với 9,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đầu tư mở rộng vườn lan là 60 tháng, kể từ tháng 4/2018.
Chị Thanh Huyền cho biết, sau 3 năm hoạt động, vườn lan đã đi vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hiện, vườn lan có tổng diện tích là 8ha với 320.000 gốc lan mokara, 80.000 gốc dendrobium. Sản lượng lan mokara đạt 8.000 -9.000 cành/ngày, 40.000 chậu lan dendro/năm. Vườn lan của chị Huyền đạt doanh thu 13 – 15 tỷ đồng/năm.
Hàng chục ngàn phương án được hỗ trợ
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ 20/6/2011 – 15/6/2021, UBND các quận, huyện, thành phố đã phê duyệt 843 phương án có tổng vốn vay 5 – 10 tỷ đồng (chiếm 3,43%), 23.761 phương án có tổng vốn vay dưới 5 tỷ đồng (chiếm 96,54%), 7 phương án vay vốn từ 10 tỷ đồng trở lên (0,028%).
Quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm cho thấy tăng dần. Đặc biệt, giai đoạn 2018 – 2020, bình quân vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng/hộ/phương án, cao hơn 2,43 lần bình quân giai đoạn 2011 – 2019; bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 806 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn, cao hơn 2,36 lần so với bình quân giai đoạn 2011 – 2019.
Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, qua công tác kiểm tra thực tế các phương án được chính sách hỗ trợ cho thấy, chính sách góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, như: Nuôi cá koi đạt doanh thu 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm, doanh thu trồng hoa lan mokara đạt 2 tỷ đồng/ha/năm, doanh thu nuôi tôm đạt 1,6 – 3 tỷ đồng/ha/vụ, doanh thu trồng hoa mai đạt 2 tỷ đồng/ha/năm…