Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho quả nhãn của Việt Nam trong tháng 11 – thông tin trên được công bố tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan, sáng 13/11, tại Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên tất cả lĩnh vực, với sự tin cậy chính trị cao; giao lưu, tiếp xúc cấp cao được tăng cường.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước; phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.
Về phương hướng phát triển quan hệ song phương thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sớm triển khai cung cấp ODA thế hệ mới; hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với khoản hỗ trợ 10 tỷ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP 26, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ.
Thủ tướng mong muốn Chính phủ Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cộng đồng hơn 400.000 người Việt Nam, trong đó có nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam.
Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực; khẳng định Nhật Bản mong muốn làm sôi động lại hợp tác ODA với Việt Nam, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai khoản vay ODA thế hệ mới, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh.
Thủ tướng Kishida nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của cả hai nước, thông báo Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn việt nam trong tháng 11.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi và thúc đẩy tiến độ một số dự án quan trọng như dự án Trường Đại học Việt – Nhật, dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí phối hợp chặt trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN-Nhật Bản (1973-2023), trong các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, tiểu vùng Mekong, Liên Hợp quốc.
Trước đó, tháng 12/2019,quả vải tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Từ đó đến nay, với những nỗ lực xuất khẩu và quảng bá thương hiệu, quả vải thiều tươi của Việt Nam ngày càng tạo được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản, được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bởi cộng đồng người Việt sống tại Nhật mà còn thu hút sự quan tâm, yêu thích của người tiêu dùng Nhật Bản vì sự mới lạ, màu sắc và hương vị tươi ngon hơn so với vải Đài Loan hay Trung Quốc.
Đối với quả nhãn, tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô/đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát…
Như vậy, hiện Việt Nam đang có 3 loại trái cây đã được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, gồm thanh long, xoài Cát Chu và vải.
Theo số liệu thống kê của Cục BVTV, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 117.554 tấn nhãn, trong đó trên 11.000 tấn quả nhãn tươi; 100.000 tấn long nhãn và các sản phẩm từ quả nhãn.
Trong đó, nhãn tươi xuất khẩu sang 17 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc (khoảng 10.000 tấn), các thị trường khác gồm Mỹ, Úc, Pháp, Hồng Kông, Vương quốc Anh, UAE, Myanmar, Czech, Canada, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Singapore, Thuỵ Sĩ..
Trong 5 tháng đầu năm 2022, nước ta xuất khẩu được trên 4.257 tấn nhãn, trong đó 147 tấn nhãn tươi sang Trung Quốc, Mỹ, Đức, Singapore; còn lại là long nhãn, long nhãn khô, nhãn quả khô, nhãn đông lạnh.