Từ nền đất ruộng, ông Trần Văn Kết (nông dân ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chuyển đổi lên vườn trồng 100 gốc sầu riêng giống Ri6, trên diện tích 5.000m2. Do được canh tác hữu cơ, tạo được nền đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, nên chất lượng sầu riêng được đánh giá cao với hương vị thơm ngon, ngọt…
Mạnh dạn chuyển đổi trồng sầu riêng
Ở vùng đất Tân Phú, lâu nay nông dân vẫn quen gắn bó với cây lúa, ông Kết không phải trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, từ ngày có đê bao, ngoài sản xuất tăng vụ, thì những vườn cây ăn trái mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, như: Cây chanh, mít Thái, xoài Đài Loan, dừa… trong đó có cây sầu riêng.
Ông Kết được xem là một trong những người tiên phong mang cây sầu riêng về trồng đất này. Khi bắt đầu có ý tưởng chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là cây sầu riêng, ông Kết đi đến những vùng chuyên canh trồng sầu riêng, như: Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai… học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và tìm mua cây giống chất lượng.
Do chuyển đổi từ đất ruộng nên khi lên liếp trồng cây ăn trái, nông dân cũng phải đắp mô từ lớp đất mặt, còn phần đất sét dàn trải đều ra các diện tích còn lại để giúp cây trồng nhanh bám rễ, phát triển tốt.
“Ngày lên liếp làm vườn, bà con ở gần xóm ai cũng nói sao gan quá, vùng đất này trồng cây sầu riêng coi chừng bị “đắng”.
Lúc đó, vợ chồng tôi lo lắng, nhưng đã đầu tư rồi thì cố gắng chăm sóc, đến năm thứ 3 thì sầu riêng bắt đầu ra hoa, đậu trái đợt đầu tiên.
Ngày sầu riêng chín khui ra ăn mà vợ chồng hồi hộp, rồi vui mừng khi múi sầu riêng rất ngon, ngon hơn rất nhiều loại sầu riêng đã từng ăn. Vậy là bao nhiêu công sức bỏ ra cuối cùng cũng có kết quả xứng đáng” – ông Kết nhớ lại.
Trong rất nhiều loại cây trồng, sầu riêng có chi phí đầu tư ban đầu cao, từ chi phí lên liếp, đắp mô, cây giống, hệ thống tưới tự động… Tuy nhiên, khi cây bắt đầu phát triển, nếu tạo được nền đất tốt và nắm vững quy trình kỹ thuật canh tác, làm vườn thì về sau các khoản chi phí phân bón, chăm sóc sẽ không phải tốn nhiều.
Cây sầu riêng cần đến 3 năm chăm sóc, nhà vườn mới bắt đầu cho ra hoa, đậu trái. Trong khoảng thời gian đó, vợ chồng ông Kết cho xen canh cây mít Thái, chanh, khóm, còn diện tích mương trống thì thả giàn trồng bầu, mướp…
Với cách làm này, giúp gia đình có thêm thu nhập trong lúc chờ thu lợi từ cây sầu riêng. “Khi chuẩn bị cho sầu riêng ra trái, nông dân cần đốn hạ bớt những loại cây xen canh từ trước để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển, dễ truyền bệnh qua cây sầu riêng” – ông Kết chia sẻ.
Chọn mô hình trồng sầu riêng hữu cơ
Ngay từ khi lên liếp làm vườn, ông Kết đã quan tâm đến các phương pháp hữu cơ sinh học trong cải tạo đất, nhất là tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Suốt 5 năm trồng cây sầu riêng, ông Kết lựa chọn nguồn phân bò được xử lý với nấm Trichoderma kết hợp cùng phân dơi để bón lót thường xuyên, tạo dinh dưỡng cho nền đất. Ngoài ra, còn sử dụng phụ phẩm rơm sau làm nấm để ủ, bón cho cây sầu riêng, giúp đất thêm tơi xốp.
Theo ông Kết, đất ở địa phương có đê bao, nên không còn được phù sa bồi đắp hàng năm, vì vậy phải cải tạo để tăng độ xốp và dinh dưỡng cho đất.
“Dưới đất thì sử dụng phân chuồng để tạo độ ẩm, giúp đất tơi xốp, còn khi dưỡng lá non thì dùng các chế phẩm sinh học, vừa giúp lá tốt lại an toàn cho môi trường. Đối với cây trồng nào cũng vậy, từ cây lúa hay cây ăn trái, khi bà con tạo được nền đất tốt, nhiều dinh dưỡng thì nhẹ công chăm sóc, cây khỏe cho năng suất cao, vì có thể kéo dài thời gian thu hoạch” – ông Kết nhấn mạnh.
Biện pháp xử lý cho sầu riêng ra hoa là phải cắt nước cho khô từ 20 ngày đến 1 tháng, kể cả lượng nước trong mương cũng phải rút thấp.
Như vậy, sầu riêng mới ra hoa, đậu trái tốt. “Chỉ đến khi trái đậu và to khoảng bằng cái chén ăn cơm bắt đầu tưới nước lai rai. Đây là kỹ thuật tôi học được trên YouTube, nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng ở các tỉnh” – ông Kết chia sẻ.
Cây sầu riêng là loại thụ phấn chéo, hoa nở rộ vào ban đêm, nên lượng ong, côn trùng giúp thụ phấn rất ít. Chính vì vậy, nông dân đã sáng chế ra cách dùng chổi lông mịn quét phấn hoa lại với nhau, giúp tăng khả năng đậu trái.
“Đợt này, cây sầu riêng nở hoa ngay mùng 2 Tết, nên tối đó tôi ra vườn để thụ phấn tiếp cho cây, nhờ làm vậy mà trái đậu thấy ham lắm. Tính ra, mỗi cây đậu 30-40 trái, trái nào trái nấy tròn đều, nhiều múi” – ông Kết phấn khởi nói.
Khoảng đầu tháng 4 (âm lịch), vườn sầu riêng của ông Kết sẽ bắt đầu cho thu hoạch lai rai, đến khoảng giữa và cuối tháng sẽ rộ hơn. Trong năm đầu tiên ra trái, do để giữ sức nên mỗi cây ông Kết chỉ giữ khoảng 5 trái. Trung bình mỗi trái nặng khoảng 3 – 3,5kg, giá bán từ 80.000 – 100.000 đồng/kg. Nhờ canh tác hữu cơ sinh học nên chất lượng sầu riêng rất thơm ngon, múi to, hạt nhỏ, cơm dày, vàng… được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vườn sầu riêng của ông Kết đang được địa phương và các ngành chuyên môn của huyện Châu Thành hỗ trợ kỹ thuật để phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ.