Gò Công Tây là vùng đất đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán. Năng động ứn phó, anh Sáu Trung (Võ Hoàng Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã chuyển đất lúa sang trồng măng tây và thu bộn tiền.
Tại xã Thạnh Nhựt, trong khi xung quanh là màu vàng ruộm của hạt lúa chờ thu hoạch, lọt thỏm ở giữa là ruộng trồng măng tây xanh rờn của anh Sáu Trung.
Trồng măng tây ở xứ Gò phải “nhất nước”
Hôm chúng tôi đến thăm ruộng măng tây, anh Sáu Trung đang tất bật thu hoạch măng.
Hiện, anh Sáu Trung đã chuyển 3 công đất lúa sang trồng măng tây.
Theo anh Sáu Trung, với 3 công măng tây, mỗi ngày anh thu hoạch khoảng chục kg măng. Cứ cách ngày anh thu hoạch măng một lần.
Anh Sáu Trung thổ lộ, bức bối với ruộng lúa làm mãi chỉ đủ ăn, tình cờ thấy nông dân trồng măng tây qua truyền hình khá giả anh tìm hiểu cách trồng.
Ngoài học qua mạng xã hội, anh còn được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây.
Theo anh Sáu Trung, trồng măng tây không khó, nhưng phải làm đúng kỹ thuật.
Muốn trồng măng tây trên đất lúa, buộc nông dân phải cải tạo đất và lên liếp.
Trước khi xuống giống, liếp phải được phủ bạt để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh tấn công cây măng.
Bên cạnh đó, nông dân trồng măng tây không quên bón lót phân hữu cơ, gồm: Phân gà, bò, dê và rơm rạ ủ hoai mục.
Sau 3 tháng xuống giống, măng tây sẽ cho thu hoạch. Nếu trồng đúng quy trình, ruộng măng tây sẽ cho thu hoạch 8-9 năm.
Anh Sáu Trung lưu ý, đặc tính của cây măng tây là rất háo nước. Vì thế, trồng măng tây trên đất khô hạn đầu tiên phải lo nguồn nước tưới.
Anh Sáu Trung phải đào mương trữ nước ngọt để tưới cho ruộng măng tây. Trung bình, mỗi ngày anh tưới cho ruộng măng tây 2 lần sáng, chiều.
Lâu nay, tại vùng đất ven biển Gò Công, trong năm hết 6 tháng khô hạn. Những ngày nắng như rang này, ruộng măng tây của anh Sáu Trung bị ảnh hưởng đáng kể dù vẫn được tưới 2 lần/ngày.
Những bụi măng tây teo tóp để chống chọi với việc mất nước. Vì thế, chồi măng nhỏ hẵn đi. Năng suất măng cũng giảm ít nhiều.
Trồng “rau hoàng đế” không đủ bán
Theo anh Sáu Trung, hiện sản lượng măng tây do anh trồng không đủ cung cấp cho các chợ trên địa bàn huyện.
Trung bình, giá măng tây được tiểu thương thu mua 50.000-60.000 đồng/kg.
Anh Sáu Trung bộc bạch, để quảng bá, giới thiệu măng tây sạch do mình trồng, anh đã đưa sản phẩm lên trang mạng xã hội của địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt Nguyễn Văn Tốt cho biết, mô hình trồng măng tây của anh Sáu Trung là độc nhất ở xã. Bước đầu mô hình đã cho hiệu quả kinh tế tốt.
“Phải xem tính hiệu quả lâu dài của mô hình. Nhất là việc trồng măng tây trên vùng đất ruộng, khô hạn có thích hợp hay không”, ông Tốt chia sẻ.
Ở châu Âu, măng tây được coi là thứ rau “hoàng đế”, bởi nhiều người cho rằng ăn măng tây và uống rượu vang là một thứ “viagra tự nhiên”.
Về dinh dưỡng, măng tây là một loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm: Đạm protein, đường glucid, chất xơ celluloze, vitamin K, C, A, pyridoxine (B6), riboflavin (B2), thiamin (B1)…