Một cành lan hồ điệp “nữ hoàng” có giá tới chục triệu đồng khiến dư luận xôn xao
Một cành lan hồ điệp nữ hoàng của Đài Loan có 20-22 bông một cành, cao tới 1,8 m đang được rao bán giá 10 triệu đồng, khiến dư luận xôn xao.
Đây là giống lan hồ điệp nữ hoàng của Đài Loan được canh tác tại Đà Lạt, mỗi cành có 20-22 bông, cao tới 1,8m đang được rao bán giá 10 triệu đồng để chưng Tết.
Đại diện cửa hàng hoa tại TP HCM cho biết, Tết năm nay hoa nhập khẩu về Việt Nam dè dặt hơn so với mọi năm. Thay vì nhập các loại lan từ Nhật Bản, Đài Loan, hiện cửa hàng bán sản phẩm hoa được canh tác trong nước.
Cành lan hồ điệp nữ hoàng của Đài Loan được canh tác tại Đà Lạt đang được bán giá 10 triệu đồng
Trong đó, sản phẩm đặc biệt nhất là giống lan hồ điệp nữ hoàng của Đài Loan được canh tác tại Đà Lạt. Loại này có 20-22 bông một cành, cao tới 1,8 m có giá 10 triệu đồng mỗi cành – đắt nhất trong các giống lan hồ điệp được trồng ở Việt Nam.
“Dù giá cao, đơn đặt hàng loại hoa này đạt 40% trên tổng số lượng hàng dự kiến bán ra”, đại diện cửa hàng nói.
Lý giải về việc giá hoa lan hồ điệp nữ hoàng đắt đỏ, đại diện chuỗi cửa hàng này cho biết, do đây là giống nhập từ Đài Loan, được thiết kế trồng riêng tại một nông trại đặc biệt ở Đà Lạt. Trong quá trình trồng, nhà vườn sẽ tuyển chọn vài cây trong hàng trăm cây có đủ tiêu chuẩn “nữ hoàng”.
Cụ thể, độ dài tiêu chuẩn từ gốc tới ngọn của cành lan khoảng 1,5-1,8 m. Để cây lớn và phát triển cần nhiều thời gian chăm sóc tỉ mỉ trong 7-9 tháng. Sau đó, cần thêm 2-3 tháng để cây ra nụ, hoa nở mới có thể xuất bán. Điểm đặc biệt của giống hoa này là dù các bông đầu và cuối nở cách nhau 2 tháng, chúng vẫn tươi mà không héo theo thứ tự như hoa lan thường.
Anh Hà – chuyên viên kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc lan hồ điệp tại Lâm Đồng cho biết, cành lan hồ điệp nữ hoàng có giá tới chục triệu là cũng đúng. Thông thường, mỗi cây lan hồ điệp để chăm sóc trưởng thành cần rất nhiều công sức, kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ và phải đảm bảo đủ thời gian để cây sinh trưởng và ra hoa nữa.
Vì yêu cầu chăm sóc khắt khe, ít người trồng nên giá cả của lan hồ điệp nữ hoàng cũng “độc quyền”
Hồ điệp nữ hoàng Đài Loan thường có các màu trắng, hồng, tím, tím đột biến. Tại các nhà vườn ở Lâm Đồng hàng năm vẫn có nhưng số lượng không nhiều, bởi không phải ai cũng làm được.
“Vì yêu cầu chăm sóc rất khắt khe, trong khi giá thành cao lại kén khách nên rất ít nhà vườn có loại này. Có thể nói đây là loại lan hiếm nên giá cả cũng “độc quyền”, do người bán định giá” – anh Hà nói.
Tuy nhiên, do mức giá quá đắt đỏ, nhiều khách hàng tỏ vẻ “quay lưng” cho rằng “với số tiền 10 triệu chỉ để mua 1 cành hồ điệp nữ hoàng, thì tôi sẽ chọn một chậu hồ điệp to chà bá, các màu cũng tươi và đẹp không kém”.
Song một số khách hàng khác lại cho rằng, cái đẹp là tùy theo cái nhìn, suy nghĩ và túi tiền của mỗi người nên cũng khó để nói là đắt hay rẻ. Nhiều người sẵn sàng chi cả trăm triệu mua cây đào, cây mai, nên 10 triệu cành hồ điệp đẹp độc lạ cũng sẽ có người rước về.
Bên cạnh lan hồ điệp nữ hoàng có giá đắt đỏ, năm nay thị trường cũng xuất hiện thêm các loại hoa nhập khẩu lạ như mẫu đơn, cúc kích cỡ “khổng lồ”…
Đại diện một cửa hàng hoa chuyên đổ sỉ các cây hoa nhập khẩu cho biết, đối với những loại hoa có kích cỡ khổng lồ, năm nay doanh nghiệp cung ứng ra thị trường số lượng lên tới vài trăm nghìn cành. Mỗi cành có giá 20.000-30.000 đồng. Loại này có thể chưng được trong 1,5 tháng. Ngoài những màu chủ đạo như xanh, tím, những loại hoa này còn có thêm các màu lạ như cánh sen, cầu vồng.
Đánh giá về thị trường tiêu thụ hoa Tết năm nay, các doanh nghiệp cho biết, so với năm trước đến thời điểm này số lượng hàng và giá thành đều tốt hơn. Người tiêu dùng có xu hướng mua trở lại nên thị trường sôi động hơn hẳn. Ngoài những sản phẩm được nhập trực tiếp từ Nhật, Anh, Hà Lan thì Tết năm nay có thêm nhiều giống hoa lạ được canh tác tại Đà Lạt.
Sức mua những tháng cuối năm đã tăng 20-30% so với trước đó. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng hoa cung ứng ra thị trường giảm 20% so với mọi năm. Nhiều loại hoa trong nước phục vụ Tết đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt hàng vì giảm canh tác.