Trồng thứ cây thấp lùn, xanh ngăn ngắt, thác lá ra đầy quả đỏ, nông dân Sơn La bán dịp Tết đắt hàng
Những ngày giáp Tết chúng tôi đến thăm vườn dâu tây, với diện tích 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Nam, tiểu khu Tân Thảo, xã Cò Nòi.
Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn dâu tây xanh bạt ngàn được lên luống và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động hiện đại.
Từng luống dâu tây đều sai trĩu quả, chín mọng nước, tỏa hương thơm nức mũi khi chúng tôi dạo bước tham quan trải nghiệm tại vườn.
Anh Nam, chia sẻ: So với trồng ngô, khoai, sắn thì giá trị dâu tây cao hơn gấp nhiều lần. Với diện tích hơn 2 ha, hiện tại gia đình tôi đã bán được 3 tấn quả dâu tây, với bán từ 100 – 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 450 triệu đồng, dự kiến hết vụ gia đình sẽ thu về 10 tấn quả nữa.
Theo anh Nam, trong quá trình chăm sóc dâu tây, để đạt năng xuất, cũng như chất lượng quả tốt nhất, anh Nam sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ và kết hợp với phân chuồng để chăm bón cho dâu tây.
Mỗi ngày anh tưới nước từ 2 – 3 lần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhờ tuân thủ, bảo đảm được các yếu tố trên, cây dâu tây gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, cho ra hoa, đậu quả đều.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: Hiện nay diện tích trồng dâu tây của hội viên nông dân xã Cò Nòi có hơn 40 ha, trong đó tập trung tại khu Tân thảo. Dâu tây được trồng chính vụ vào tháng 9 hàng năm, sau khoảng 3 tháng cây sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 3 đến 4 tháng tuỳ vào thổ nhưỡng và việc chăm sóc.
Không chỉ trồng để thu quả, cây dâu tây còn được ươm để làm giống, đóng vào các bầu để phục vụ nhu cầu chơi tết của khách hàng.
Du khách có thể đến tận vườn khám phá, trải nghiệm, tự tay hái những trái dâu tây chín mọng, đỏ chót.
Dâu tây ở Cò Nòi được sản xuất theo quy trình áp dụng VietGAP, canh tác các loại giống cho năng xuất cao, cho chất lượng quả tốt như giống dâu Hana của Hàn Quốc.
Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo quy mô, quy trình, khuyến khích các HTX liên kết sản xuất, thực hiện đúng việc cam kết với các nhà thu mua.
Xã, huyện đều chú trọng khuyến khích việc nâng cao thương hiệu, chất lượng, giá trị sản phẩm, làm sao trong thời gian tới, xây dựng được thương hiệu dâu tây Mai Sơn.
“Trung bình mỗi ha dâu tây cho thu hoạch khoảng từ 10 -15 tấn quả/vụ, nông dân thu về hơn 1 tỉ đồng/vụ. Dịp tết năm nay mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dâu tây bán được giá cao. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trong nước, có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội”. ông Tiện, nói.
Có thể thấy cây dâu tây bến rễ ở vùng cao Sơn La đã và đang trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao; mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập người dân.