An Giang: Trồng cây cảnh ngoài đồng, ai ngờ ra thứ trái đỏ như lửa, ăn nửa quả tỉnh cả người
Thành công từ cây trồng có triển vọng, mới lạ anh Trần Phước Thọ hiện đang triển khai bán giống cây lựu đỏ rộng rãi, cung cấp cây giống cho thị trường để nông dân có cơ hội làm giàu.
Vừa là trồng cây ăn trái, vừa như trồng cây cảnh
Cây lựu trước nay người dân hay trồng như trồng cây cảnh, chứ ít có gia đình nào trồng lựu để bán trái.
Về dinh dưỡng trong trái lựu đỏ, anh Trần Phước Thọ nói: “Cây lựu đỏ có tính dược liệu, rất tốt cho sức khỏe. Ăn trái lựu đỏ được cho là bổ máu; phòng tránh xơ vừa động mạch. Tôi đã trồng lựu đỏ xen trong vườn trồng cây dược liệu của tôi…”.
Sau thời gian trồng thử nghiệm thì anh Thọ phát hiện ra cây lựu Peru rất thích hợp với vùng đất miền Tây. Cây lựu cho ra trái to, màu đỏ, đẹp mắt…
Trong khuôn viên vườn trồng dược liệu rộng hơn 15.000m2 anh Thọ trồng khoảng 1.000 cây lựu Peru. Đây cũng là số cây lựu anh Thọ dùng để nhân giống. Xung quanh vườn, anh còn trồng xen canh với hàng trăm cây cau, cây nhàu và một số cây dược liệu khác. Dưới tán anh trồng thêm các loài cây dược liệu ưa bóng râm như cây sâm cốc, cây địa liền, sâm bố chính, ngải cứu.
Thành công nhân giống lựu Peru ban đầu, anh Thọ đã cung cấp cây lựu giống cho nông dân trồng thử nghiệm ại 3 khu vườn ở các xã Vọng Đông, thị trấn Núi Sập và xã Vĩnh Chánh huyện Thoại Sơn. Sau 6 tháng chăm sóc cho thấy cây lựu Peru rất khỏe, thích nghi với vùng đất núi và cho ra hoa tươi tốt.
Cây lựu Peru trồng như trồng cây cảnh. Trồng lựu đỏ để chơi như chơi cây cảnh. Cây lựu ra nhiều trái, chơi như chơi cây cảnh càng đẹp, lại có trái chín để ăn. Ăn trái lựu đỏ có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Chia sẻ cách nhân giống lựu để cho cây con đạt tỷ lệ sống khỏe, anh Trần Phước Thọ cho biết: “Những trái lựu chín đạt độ lớn, căng mọng bắt mắt, mình sẽ chọn lại, lọc lấy hạt phơi. Sau khi phơi hạt lựu xong phải xử lý nấm khuẩn, xử lý nấm bệnh rồi mới đem ươm. Từ thời điểm ươm hạt đến lúc nảy mầm là 3 tuần. Sau 3 tuần từ khi cây mọc mầm thì mình nhổ cây lựu giống đưa vô bầu đất. 2 tháng sau khi đưa cây lựu vô bầu đất có thể đưa ra trồng ngoài đồng…”.
Cây làm giàu
Những cây lựu giống khi được anh Thọ xuất bán cao khoảng 40cm. Khi bà con đưa ra trồng ngoài đồng khoảng 6 tháng thì cây ra hoa, đậu trái.
“Đặc tính của cây lựu đỏ có nguồn gốc từ Nam Mỹ là chịu nắng, chịu nhiệt rất tốt. Ruộng trồng lựu đỏ chỉ cần có hệ thống thoát nước tốt là được…Còn nắng càng nhiều càng tốt”, anh Thọ cho hay.
Theo anh Thọ, tị trường hiện đang có nhiều giống lựu đỏ khác nhau có nguồn gốc từ Ấn Độ, Israel, Ai Cập và Nga.
Để chọn giống lựu đỏ Peru đúng chuẩn thì nông dân cần tìm hiểu kỹ đặc tính và điều kiện thích hợp để trồng, trong đó quan trọng nhất vẫn là cách chọn giống, tránh nhầm lẫn khi chọn mua giống lựu…
Để phân biệt giống lựu Peru với các giống lựu khác anh Thọ khuyến cáo: “Lựu Peru có điểm đặc biệt là đọt (ngọn) cây có màu đỏ rất đẹp. Còn lựu Israel, lựu Ấn Độ thì đọt cây có màu hơi cam cam. Trọng lượng trái lựu Ấn Độ thì tầm khoảng 200 đến 300 gram thôi, còn trái lựu Peru cho trái to và nặng hơn nhiều”.
Cây lựu thuộc cây tiểu mộc, nông dân có thể trồng như trồng cây cảnh hoặc có thể trồng lấy trái. Sáng tạo trong việc nhân thành công giống cây lựu Peru thích nghi với vùng đất trồng trọt ở đồng bằng sông Cửu Long của anh Trần Phước Thọ là hướng đi đúng, góp phần mở ra triển vọng giúp người nông dân có cơ hội làm giàu.