Bơ lùn siêu sớm được nhiều nông dân trồng để làm kinh tế nông nghiệp
Giống bơ lùn siêu sớm được nhiều nông dân ở ĐBSCL chọn trồng với tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp trở lại tham vườn bơ lùn của ông Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Những năm gần đây, vườn bơ này là một trong những điểm đến đắt khách cồn Phú Đa này.
Ở miệt vườn sông nước như ĐBSCL rất hiếm khi nhà nông chịu lấy cây bơ làm cây sinh kế phát triển kinh tế gia đình. Bởi lẽ ai cũng nghĩ rằng, cây bơ đem về đây không có trái. Tuy nhiên, kể từ khi vườn bơ lùn siêu sớm của ông Sơn trình làng với những trái bơ sum xê đã làm nhiều người ngạc nhiên.
Theo ông Sơn chia sẻ, hơn một năm qua nhiều nhà nông ở ĐBSCL đã bắt đầu trồng bơ lùn siêu sớm. Đến nay, họ cùng chung một nhận xét bơ lùn dễ trồng, trái sớm.
Bà Phạm Thị Diệu (ở xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: Gia đình có mấy công ruộng đang lên liếp chuẩn bị trồng mít Thái. Qua đọc báo thấy thông tin về giống bơ lùn siêu sớm nên đã tìm đến ông Sơn để mua cây giống về trồng.
Qua 15 tháng chăm sóc, vườn bơ 8 công của bà Diệu đã cho một lứa trái đầu tiên từ hồi Tết Nguyên Đán khi cây mới vừa tròn 1 tuổi. Dù lứa trái này bà Diệu chỉ thu được có 300kg nhưng bán được giá 80.000 đồng/kg. Điểm đặc biệt là dễ trồng, dễ chăm sóc và cây thích nghi tốt trên vùng đất mới chuyển đổi từ đất ruộng lên đất vườn.
Anh Lê Minh Hiền (ở xã Hoà Khánh, huyện cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng đang trồng 180 gốc bơ lùn siêu sớm Thanh Sơn. Hiện vườn bơ của anh đã có cây cho trái chiến. Anh Hiền cho biết, cũng nhờ xem báo mà mới biết đến giống bơ này.
Chia sẻ về giống bơ lùn siêu sớm, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Khi canh tác cây bơ cần phải khô thoáng, đừng để oi nước cây bơ không tốt. Không cần thiết bón phân nhiều, chủ yếu bón phân không có gốc Kali và Clorat kali thì cây không bị cháy lá. Bên cạnh đó, phải làm cỏ cho thông thoáng trong mùa mưa, xẻ mương rãnh cho ráo nước thì cây bơ mới phát triển.
Trong thời gian cây bơ trưởng thành đến kỳ ra hoa, đậu trái thì hạn chế tưới nước nhiều. Chỉ tưới đủ ẩm. Khi hoa chuẩn bị nở cần bón một đợt phân bón NPK 15-15-5 + TE cách gốc 1m. Sau đó tiếp tục tưới giữ ẩm cho cây. Sử dụng NKP phức hợp kết hợp với gốc nitrat kali sẽ tốt hơn cho cây bơ. Nên bấm ngọn tạo tàn, tạo tán cho cây.
Giá bơ mùa nghịch khoảng 80.000 – 120.000 đồng/kg, cao hơn hơn các giống bơ khác. Khi cây bơ vô mùa thuận giá trung bình 50.000 – 60.000 đồng/kg. Do giống bơ lùn này trái to, cơm dầy, hạt bé, trung bình khoảng 700 – 800 gram/trái.
Muốn để cho cây bơ có trái sớm vào mùa nghịch thì đất phải khô ráo, bón đúng phân. Qua đợt trái sớm, khoảng tháng 10 đến tháng 12 có gió đông, thời tiết lạnh cây bơ rụng khoảng 20% lá, khi đó cây bắt đầu ra bông tiếp.
Ngoài dễ trồng, kể cả đất phèn, cho trái sớm bơ lùn Thanh Sơn còn là cây trồng thích nghi tốt với hạn mặn. Cụ thể là đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020, nhiều cây trồng như sầu riêng, chôm chôm chịu thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập nhưng vườn bơ của ông Sơn vẫn không hề hấn gì. Sau hạn mặn, cây vẫn phục hồi tốt và cho trái bình thường.