Vải thiều và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều niên vụ 2021 được đánh giá là rất khó khăn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều vùng vải thiều đã xuất hiện các ca dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, bằng các giải pháp mạnh mẽ, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đang nỗ lực đưa trái vải thiều được tiêu thụ và xuất khẩu trong bão dịch.
Cái khó ló cái khôn
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng ngày 20-5 đến 20-7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 20-5; vải thiều chính vụ từ ngày 10-6).
Về giải pháp đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng Giám đốc Thường trực VinCommerce cho biết, VinCommerce đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị cửa hàng tiện ích VinMart và VinMart+ từ cuối tháng 5-2021. VinCommerce đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang đến từng vùng trồng để kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi nhập sản phẩm vào hệ thống.
Vải thiều Bắc Giang được bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: A.HIỀN |
Năm nay, VinCommerce dự kiến thu mua 2.000 tấn vải thiều Bắc Giang và phân phối tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart, VinMart+ trên toàn quốc và trên trang thương mại điện tử Lazada.
Ngoài các cách thức tiêu thụ truyền thống thông qua hội chợ, siêu thị… thì việc tìm kiếm những hướng đi mới với những tiện ích đa năng đã và đang thôi thúc các địa phương, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm đến kênh thương mại điện tử (TMĐT).
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện gian hàng vải thiều của doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đã được triển khai trên sàn TMĐT Alibaba, tạo ra một kênh xuất khẩu mới qua hình thức B2B (bán buôn) sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp thành công với 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu để đưa vải thiều Bắc Giang lên giao dịch. Hoạt động này nhằm giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời kỳ công nghiệp 4.0.
Đoàn xe của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử nối đuôi nhau xuất hành, đưa trái vải thiều Bắc Giang đến với nhiều người tiêu dùng. Ảnh: hanoimoi.com,.vn |
Nhanh chóng tiếp cận phương thức mới, đẩy mạnh tương tác khách hàng
Vai trò của kênh TMĐT càng được thể hiện rõ khi số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bất chấp những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lĩnh vực TMĐT năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc.
Các phương án thu mua, vận chuyển trên các giao dịch TMĐT cũng được xây dựng cụ thể và thống nhất triển khai, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức (xe lạnh, máy bay). Toàn bộ số vải thiều trước khi vận chuyển đi tiêu thụ tại các sàn đều có “Giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn”, bảo đảm về chất lượng và quy định phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel, cho biết: “Chúng tôi đã đồng hành cùng nông dân Bắc Giang ngay tại vườn, mở ra kênh phân phối trực tuyến để mang đến thêm nhiều cơ hội bán hàng.
Cụ thể, nhân viên các sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart trực tiếp đến đào tạo bà con cách đăng sản phẩm lên chợ điện tử, sàn Sendo hỗ trợ livestream bán sản phẩm ngay tại vườn. Nhờ đó, nông sản của bà con không còn bị phụ thuộc vào thương lái hay các doanh nghiệp trung gian, được chủ động về giá bán, qua đó giúp ổn định kinh tế về cả đời sống lẫn sản xuất”.
Nghệ sĩ Xuân Bắc livestream bán hàng nông sản Việt Nam. Ảnh: Facebook nhân vật |
Tại chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Chung tay vượt qua đại dịch” hôm 8-6 vừa qua, nghệ sĩ Xuân Bắc đã cùng livestream trực tuyến bán nông sản, trong đó có vải thiều Bắc Giang. Với sự dí dỏm, hài hước của mình, nghệ sĩ Xuân Bắc đã trò chuyện, thu hút khán giả và “chốt” 5.000 đơn hàng nông sản, đặc biệt là vải thiều Bắc Giang. Trong 1 giờ, có 279.000 người xem livestream bán hàng của Xuân Bắc. Anh đã giúp bà con nông dân bán được 85 tấn nông sản.
Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ: “Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa. Chúng ta không giải cứu mà hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, nâng niu nông sản Việt”.
Thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường, giao dịch trên sàn TMĐT đã ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Riêng đối với nông sản, đây lại là hình thức còn khá mới mẻ, tuy nhiên việc đẩy mạnh các sàn giao dịch nông sản điện tử đang minh chứng cho hiệu quả khả quan cũng như tiềm năng từ kênh phân phối đắc lực này, cũng như một hướng đi đúng đắn cho nông sản Việt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.