Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ
Đã đến lúc chúng ta khẳng định vị thế của cây bơ ở Tây Nguyên cũng như một số vùng tiềm năng khác để phát huy lên mức cao nhấ
Những lưu ý
1. Do bơ có hai nhóm ra hoa, nhóm A và nhóm B, nên khi trồng bơ phải lưu ý:
Nhà vườn phải biết giống mình định trồng thuộc nhóm hoa nào, để còn phối hợp với nhóm hoa khác để có sự thụ phấn tốt, nhớ có đủ nhóm hoa A và nhóm hoa B, trừ khi chắc chắn là chung quanh đã có đủ ong để thụ phấn bổ sung.
Nhóm hoa A: Có các giống như Hass, Lamb Hass, Hass – Carmen, Gem, Pinkerton, Wurth, Reed…
Nhóm hoa B: Có Fuerte, Shepard, Zutano, Booth, Sharwin.
2. Lưu ý thứ hai, phải trồng bơ trên đất thoát thủy tốt nhằm hạn chế bệnh xì mủ.
3. Lưu ý thứ ba, trồng trên mô cao 30-40 cm (dù là đất đồi, để đảm bảo thoát thủy tốt, không bị thối cổ rễ vào đầu mùa mưa).
4. Lưu ý khi đặt cây xuống đất, phải đặt chỗ cao (không chôn sâu xuống đất), mặt đất của bầu cây giống lúc trồng phải bằng với đất của mặt mô). Điều này, bà con Tây nguyên mình hiện làm khác với thực hành trên thế giới.
5. Lúc mới trồng, nên tưới thêm phân sinh học (như Tricoderma, phân cá, mật mía, ủ 20 ngày, rồi pha loãng xịt hay tưới gốc) nhằm thúc cây ra rễ nhanh, tạo bộ rễ khỏe mạnh.
6. Khi cây mới trồng vừa phục hồi, nên nhanh chóng bón NPK + TE, Yara, khoảng 10 gr/gốc, vài ba tháng bón một lần, kết hợp với phòng trị sâu, bệnh. Đến khi cây lớn 1 tuổi, tăng dần lượng phân bón lên 20 gr/gốc một lần.
7. Lưu ý, tưới thuốc Agriphos theo hệ thống tưới vào đầu mùa mưa tháng 5 để tăng sức đề kháng cho cây chống lại bệnh xì mủ. Sau đó, hai tháng lặp lại, và lặp lại lần thứ ba sau hai tháng. Tuy vậy, vẫn phải quan sát gốc cây cẩn thận, nếu thấy cây bị xì mủ thì phải trị bệnh liền bằng thuốc hóa học như Mataxyl, Ridomil, Aliette, Agriphos.
8. Do cây bơ ra đọt cùng lúc với trái non đang phát triển, nên không bón phân N và P lúc cây đang trổ bông và lúc trái non mới vừa đậu. Chỉ bón N trước khi trổ và sau khi trái đã đậu (Bảng qui trình chăm sóc bơ được tóm tắt ở sách Avocado Information Kit, Agrilink Series, 2001).
9. Không xịt thuốc trừ nấm gốc đồng khi cây đang trổ hoa, nhưng sau khi trái đã đậu, sử đúng thuốc gốc đồng với khoảng cách 28 ngày nếu trời nắng, và 14 ngày nếu trời mưa.
10. Bơ có nhu cầu nước cao lúc trỗ, đậu trái, và lúc trái phát triển.
11. Ở nước ngoài, họ khuyến cáo xịt Bo nhiều lần: Trước trỗ, trong lúc trỗ và cho đến gần thu hoạch, tất cả 10 lần, mỗi lần cách nhau một tháng.
Bảo vệ thực vật
– Sâu hại chính: Ở nước ta có các sâu hại như sâu đục thân, bọ ăn lá non, sâu xanh (lá non), bọ xít (đục trái), bọ xít muỗi (gây chết đọt non), bọ trĩ (ăn bông), rệp sáp (chết đọt)…
– Bệnh hại chính: Các bệnh chính như xì mủ thân, thối cổ rễ do nấm Phytophthora, bệnh thán thư (Anthracnose do nấm Colletotrichum) trên trái, bệnh đốm lá Cercospora, và bệnh hóa nâu phần gỗ bên trong nối tiếp giáp giữa gốc ghép và mắt ghép…
Do việc chống chịu với bệnh xì mủ là việc quan trọng của ngành trồng bơ bền vững, tôi cho rằng cần có đề tài chọn tạo giống gốc ghép bơ kháng bệnh xì mủ thân do nấm Phytophthora gây ra, hoặc có chương trình nhập gốc ghép kháng bệnh này sớm để phát triển bơ bền vững.
Thu hoạch
Vì sao ở các nước tiên tiến, không có việc mua bơ về gặp không bao giờ chín, như thường gặp ở Việt Nam?
Do ở các nước tiên tiến, người nông dân đều làm một thử nghiệm nhỏ trước khi quyết định đã đến lúc thu hoạch hay chưa, đó là thử nghiệm kiểm tra độ dầu bằng phương pháp sấy thịt quả đến khi tổng lượng chất khô (TDM) không còn giảm nữa thì đó là lúc thu hoạch.
Lúc này bơ đã chín sinh lý, sẽ được thu hái, vận chuyển vào nhà đóng gói, rửa, đóng thùng, rồi được tồn trữ trong kho mát đến được một tháng. Kỹ thuật tồn trữ và các chỉ số như nhiệt độ, ẩm độ kho mát đều đã được công bố rộng rãi cho các giống hiện nay như: Hass, Shepard, Reed, Pinkerton,Wurtz, Sharwil (Fruit Trop, số 251, 2017, trang 102-104).
Năng suất bơ
Sau hai năm trồng: 500 kg/ha, trung bình 5 – 15 kg/cây.
Năm thứ ba: 2-4 tấn/ha.
Năm thứ tư: 4-6 tấn/ha.
Năm thứ năm: 6-8 tấn/ha.
Năm thứ sáu: 8-12 tấn/ha, 10 tấn là năng suất trung bình của vườn bơ trên thế giới.
Năm thứ bảy: 12-16 tấn/ha, nếu quản lí vườn tốt.
Năng suất có thể đến 15 tấn/ha, nếu quản lí vườn tốt.
Ở Việt Nam, các giống như Mã Dưỡng, MD2, 034… cho năng suất rất cao, đến 150 kg/cây/năm, nếu trồng cây với khoảng cách 6m x 6m, cao hơn năng suất bình quân của thế giới.
Ủ chín bơ
Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nam Phi, Úc, các thùng bơ (tồn trữ trong kho mát) đều phải qua khâu ủ chín trước khi đưa vào siêu thị.
Khi có đơn đặt hàng, thì bơ đã đóng thùng đang tồn trữ trong kho mát, sẽ được chuyển vào kho ủ để ủ chín bằng khí ethylen, từ 12 đến 72 tiếng, tùy theo giống và độ chín lúc hái. Xong công đoạn này, các thùng carton bơ sẽ được đưa vào siêu thị để bán.
Thị trường tiêu thụ
Nhiều người cứ nghĩ phải bơ Hass, Lamb Hass, Pinkerton, Shepard… mới xuất khẩu được. Tuy nhiên bơ nhiệt đới thuộc nhóm West Indie vẫn xuất khẩu được và vẫn được nhiều nước sản xuất kể cả Mỹ.
Các giống bơ nhiệt đới (West Indian race), nhóm có hàm lượng dầu thấp, vẫn được nhiều nước sản xuất khá lớn ở trên thế giới, Mexico (1,6-1,8 triệu tấn/năm), Cộng hòa Dominican (400.000 tấn/năm), Peru (450.000 tấn/năm), Columbia, Chile, Brazin (160.000 tấn/năm), Indonesia (300-380.000 tấn/năm), China (120.000 tấn/năm), Việt Nam, hay ngay cả California, Hoa kỳ (100.000-160.000 tấn/năm); (Fruit Trop, số 255, 3/2018, trang 34).
Tuy vậy, nhóm West Indie này có số lượng xuất khẩu trên thế giới dừng lại ở khoảng 20.000-25.000 tấn/năm, so với giống Hass ghi nhận tăng 15% mỗi năm trong suốt ba, bốn năm qua, năm 2016 xuất khẩu của giống Hass được ghi nhận ở mức 1,7 triệu tấn/ năm (Fruit Trop, số 255, 3/2018, trang 32).
Hiện xuất khẩu bơ có với giá trung bình 32 đôla/thùng (11,1 kg).
Kết luận chung
Sự gia tăng sản xuất bơ của Trung Quốc tới đây được đánh dấu qua sự hợp tác giữa công ty Mr. Avocado (một công ty con của Mission Produce của Mỹ) và tỉnh Vân Nam để cùng sản xuất bơ.
Công ty liên doanh này có tên là Yunan Avocado Agriculture Development Limited (Fresh Plaza, 5/2018). Misssion Produce là một công ty lớn có nhiều chi nhánh ở các nước như Peru, nay mở thêm chi nhánh ở tỉnh Vân Nam.
Đó là cách làm rất hay, rút ngắn được khoảng cách quá xa giữa Trung Quốc và Mỹ về sản xuất bơ, tôi nghĩ đây là cách làm hay nước ta nên áp dụng.
Đã đến lúc chúng ta khẳng định vị thế của cây bơ ở Tây Nguyên cũng như một số vùng tiềm năng khác để phát huy lên mức cao nhất, bằng cách hợp tác với các công ty lớn trên thế giới, chọn những giống mới nhất trên thế giới đang còn bản quyền để trồng, trồng thẳng hàng như ở các nước tiên tiến, bảo vệ thực vật theo hướng sinh học và an toàn, thu hoạch đúng lúc, xây dựng một vài nhà đóng gói (packing house) to như ở Mỹ, Nam Phi, xây những kho ủ chín (ripening room) ở gần siêu thị, để trước mắt đủ sức cạnh tranh ở thị trường bơ cao cấp trong nước với các công ty nước ngoài.
Như hiện nay họ đang bán bơ Hass với giá trên trời là 300.000 đồng/kg, rồi từ từ tham gia xuất khẩu bơ Hass chất lượng và an toàn sang những nước gần mình như Thailand, Singapore, Hongkong, Trung Quốc…
Điều này hoàn toàn có thể làm được, nếu có doanh nghiệp lớn (trong nước hay nước ngoài) về đây cùng chung tay để việc sản xuất bơ ở Tây Nguyên sớm vượt qua khỏi cảnh lạc hậu về công nghệ (giống cũ, cây giống không sạch bệnh, giống gốc ghép không biết là giống gì, trồng xen với sầu riêng, thu hoạch khi trái chưa đạt độ chín, chưa có kho ủ chín) so với các nước trên thế giới.