CÁCH NHÀ VƯỜN NHẬT SẢN XUẤT NHO XA XỈ

CÁCH NHÀ VƯỜN NHẬT SẢN XUẤT NHO XA XỈ
Để một chùm nho có thể niêm yết giá hàng trăm USD trở lên, nông dân Nhật tiến hành ít nhất 4 bước, từ khi canh tác đến phân phối.
Tại Tokyo, giá một chùm nho Shine Muscat loại ngon đang vào khoảng 14.000 yên (3 triệu đồng), nho Aurora21 là 10.000 yên (2,1 triệu đồng) dù chưa thuộc hàng cao cấp nhất. Chúng được cung cấp từ Nagano, Okayama, hai trong số 4 tỉnh nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản về cây ăn trái cao cấp, cùng với Yamanashi và Yamagata.
Không chỉ được ưa chuộng tại thị trường nội địa, các loại nho của Nhật Bản xuất hiện ngày càng thường xuyên ở Việt Nam thông qua đường xách tay, bất chấp giá cả đắt đỏ. Nguyễn Ngọc Huyền và Lạc Thảo Vy là hai trong số những người mang chúng về Việt Nam.
Sau nhiều lần ngược xuôi đến các nhà vườn, gần nhất là chuyến khảo sát Ishihara Farm (Okayama) cùng Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA), Ngọc Huyền, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Mia Fruit nói để có thể ‘hét giá’ trái cây mà khách vẫn sẵn lòng mua, nông dân Nhật tốn không ít công phu.
Cận cảnh một chùm nho Momotaru chuẩn bị được thu hoạch trong Ishihara Farm. Ảnh: Lạc Thảo Vy
“Tại Nhật, trái cây được bán với giá rất cao so với trái cây các nước khác, kể cả tại nước sở tại. Nhà nông không ngừng cải tiến kỹ thuật canh tác trên cùng một mảnh vườn, họ đua chất lượng thay vì số lượng”, Huyền nói cơ bản việc sản xuất trái cây cao cấp cho 4 bước, ví dụ như nho.
Bước một, nguyên tắc một nhánh một chùm, tức mỗi nhánh nho sẽ giữ một chùm duy nhất. Trên chùm đó, 30% số trái sẽ được tỉa đi để những trái còn lại có thể phát triển đến kích cỡ cực đại. Chùm nho được bọc giấy sáp để kích thích hấp thu ánh nắng mặt trời. Loại giấy được thay đổi, tùy theo điều kiện thời tiết. Riêng những loại nho vỏ mỏng, dễ hư hại sẽ được bọc nilon.
Bước hai là thu hoạch. Nho có độ ngọt từ 22 brix trở lên, được kiểm tra bằng máy test nhanh, thì đạt tiêu chuẩn thu hoạch. Nhà vườn cắt đúng 2/3 cuống để đảm bảo không gây nguy hại đến cuống nho trên giàn. Kéo cắt nho là loại kéo chuyên dụng, có quy trình kiểm tra chất lượng để thay mới đúng chuẩn.
Bước đóng gói phân loại nho tại Okayama. Ảnh: Lạc Thảo Vy
 
Bước ba là đóng gói, phân loại. Nho thu hoạch xong sẽ được phân loại theo gram như 500g đến 600g; 700g đến 800g và 900g đên một kg mỗi chùm. Các thùng nho sau khi được đóng theo phân loại sẽ được chuyển đến khu vực quét nhiệt để kiểm tra độ ngọt, màu sắc, độ mọng nước. Nếu đạt chuẩn, JA sẽ đóng dấu đã qua kiểm duyệt và phân loại ra các loại cao cấp, trung bình, khá.
Cụ thể, hàng ‘xịn’ nhất chỉ bán tại các trung tâm cao cấp nhất đất nước như khu Ginza hay bán cho hoàng tộc, chính phủ và không qua đấu giá. Các cấp dưới thì sẽ được đấu giá. Hàng loại 1 được xuất khẩu cho các đơn vị đã được JA cấp phép. Hàng loại 2 bán các các chuỗi lớn như Takashimaya, Aeon. Hàng loại 3 bán cho các chợ nhỏ, tiểu thương, cửa hàng trái cây nhỏ lẻ khắp cả nước.
Bước bốn, đấu giá tại chợ nông sản. Các bên mua đấu giá phải được JA cấp phép. Họ thường là các hệ thống siêu thị lớn, doanh nghiệp chuyên phân phối, xuất khẩu trái cây lớn. Ngoài ra, những mặt hàng chất lượng tốt nhất, đặc biệt nhất sẽ phân đấu giá dạng ‘private’ cao cấp bậc nhất chỉ dành cho thị trường Nhật. Việc cấp phép nhằm tránh các nhà buôn thu gom, phá giá.
“Tại Nhật nói chung, người dân làm nông nghiệp theo hướng cha truyền con nối để kế thừa mảnh vườn của cha ông để lại và phát triển theo hướng bền vững”, Huyền cho biết thêm.
Anh Naoki Ishihara – Chủ vườn Ishihara cùng Ngọc Huyền (bên trái) và Thảo Vy (bên phải). Ảnh: Mia
 
Vườn Ishihara, nơi có nhiều loại trái cây bậc nhất của Okayama thành lập năm 1850. Anh Naoki Ishihara là chủ vườn đời thứ 5 và tên Ishihara được lấy từ tên của dòng họ. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, anh sang Mỹ để học thêm kinh nghiệm làm nông rồi về nước kế nghiệp tổ tiên. Vườn của anh hiện có 20 chủng loại nho, 7 chủng loại lê.
“Mỗi năm, tuỳ theo vụ mùa, vườn sẽ thay đổi những loại nho để kích cầu tiêu dùng. Hiện nay, nho Shine Muscat vẫn là loại nho bán chạy nhất, với sản lượng chiếm 30%. Tiếp đến là nho Momotaru, chiếm 20%. Các giống nho còn lại chiếm 50%”, anh Naoki Ishihara nói.
Bà Hiroko Kinoshita – Đại diện Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (SME Support JAPAN) nói rằng chính phủ Nhật hàng năm đều ưu tiên xuất khẩu sản lượng lớn với các loại trái cây như lê, đào, nho đến Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. “Việt Nam trong năm sau sẽ được xem là một trong những thị trường quan tâm tiếp theo”, bà nói.

Tin Liên Quan